Là loại quả dân dã nhưng quả sung lại rất tốt cho sức khỏe, dưới đây là những tác dụng của quả sung khô bạn không nên bỏ qua.
Tác dụng của quả sung khô
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, sung là loại cây thuộc họ dâu tằm. Quả sung có hình giống như các giọt nước với kích thước lớn bằng ngón tay. Thịt của quả sung màu hồng, khi ăn có vị ngọt nhẹ, mềm và dai. Hạt của quả sung có thể ăn được và hơi giòn.
Quả sung tươi thường rất mỏng và dễ bị hỏng. Vì vậy, để bảo quản sung được lâu hơn, người ta thường mang quả sung đi phơi khô hoàn toàn. Nhờ đó, chúng ta có được một loại quả sấy khô ngọt, giòn và khá bổ dưỡng, có thể dùng quanh năm.
Quả sung có rất nhiều loại với sự khác biệt về đặc điểm, cấu trúc và màu sắc. Điểm độc đáo của loại quả này chính là một lỗ nhỏ có hình dáng giống với nụ cười, thường được gọi là ostiole ở đầu quả giúp cho quả phát triển. Trước khi có sự xuất hiện của đường tinh luyện, người ta thường sử dụng sung để làm chất tạo ngọt tự nhiên.
Trong quả và lá của cây sung có nhiều loại dưỡng chất có lợi.
Theo nghiên cứu hiện đại, quả sung có chứa glucose, saccarose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citric acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, phot pho, kali... và một số vitamin như C, B1... Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy, quả sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư.
Trong y học cổ truyền, quả sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, bệnh trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp...
Một số bài thuốc từ quả sung
Dưới đây là một số bài thuốc từ của sung của Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn được đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống:
1. Chữa Viêm họng: (1) Sung tươi sấy khô, tán bột rồi lấy một chút thổi vào họng. (2) Sung tươi gọt vỏ, thái phiến, sắc kỹ lấy nước, cho thêm đường phèn rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hàng ngày.
2. Ho khan không có đờm: Sung chín tươi 50 - 100g gọt bỏ vỏ, đem nấu với 50 - 100g gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Có thể cho thêm ít nho khô hoặc đường phèn cho dễ ăn.
3. Hen phế quản: Sung tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt uống mỗi ngày 1 lần.
4. Viêm loét dạ dày tá tràng: Sung sao khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 6 - 9g với nước ấm.
5. Tỳ vị hư nhược, hay rối loạn tiêu hoá: Sung 30g, thái nhỏ, sao hơi cháy, mỗi ngày lấy 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, chế thêm một chút đường phèn, uống thay trà trong ngày.
6. Táo bón: (1) Sung tươi 9g sắc uống hàng ngày. (2) Sung chín ăn mỗi ngày 3 - 5 quả. (3) Sung tươi 10 quả rửa sạch bổ đôi, ruột già lợn 1 đoạn làm sạch thái nhỏ, hai thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn trong ngày.
7. Sa đì: Sung 2 quả, tiểu hồi hương 9g, sắc uống.
8. Sản phụ thiếu sữa: Sung tươi 120g, móng lợn 500g, hai thứ đem hầm thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Bài này có công dụng bổ khí huyết, hạ nhũ chấp (làm ra sữa) dùng rất tốt cho sản phụ sau đẻ suy nhược, khí huyết bất túc, sữa không có hoặc có rất ít.
Trên đây là những tác dụng của quả sung khô với sức khỏe. Bạn tuyệt đối đừng bỏ qua loại quả rẻ tiền nhưng bổ dưỡng này nhé.
Theo vov.vn