Trong khi các đơn vị y tế chính thống nỗ lực truyền tải những thông tin thực tế có tính khoa học, thì những "tin đồn" về tác nhân gây ung thư, những bài thuốc, phương pháp điều trị "thần kỳ"… cũng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Ung thư - đối tượng của tin đồn
Tại buổi trao đổi chủ đề "Ung thư và tin đồn" diễn ra mới đây, TS.BS Phạm Tuấn Anh - Phó trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, ung thư dễ bị ảnh hưởng bởi các "tin đồn" bởi cơ chế bệnh sinh và việc điều trị ung thư rất phức tạp, đòi hỏi đa mô thức và kết hợp nhiều chuyên khoa.
“Căn bệnh này vẫn còn nhiều bí ẩn, những cơ chế chưa được làm sáng tỏ và nhiều bệnh cảnh chưa được nghiên cứu phương thức điều trị. Từ đó dẫn tới việc thường xuyên có các tin đồn sai về căn bệnh này, dẫn đến bệnh nhân bệnh ung thư dễ bị lợi dụng”, BS Tuấn Anh chia sẻ.
TS.BS Đào Thị Yến Phi - nguyên Trưởng bộ môn dinh dưỡng, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng tin đồn lan truyền cũng từ bất cập trong ngành y tế hiện nay khi số lượng người làm chuyên môn về ung thư có khả năng nói về ung thư một cách đơn giản rất ít.
“Bác sĩ hầu như đều quen nói chuyện khoa học nhiều, nên sử dụng ngôn ngữ đơn giản rất ít, còn người dân đa số sẽ tìm kiếm các thông tin đơn giản. Hoặc cũng có trường hợp giao tiếp của cán bộ y tế với người bệnh không đủ thời lượng và mức độ chuyên sâu, dẫn tới người bệnh phải đi tìm các nguồn khác, mà trong đó sẽ có nguồn tốt lẫn các nguồn tin đồn xấu”, BS Yến Phi nói.
Theo TS.BS Phạm Nguyên Quý - khoa Ung thư nội, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), các tin đồn về ung thư đã cướp đi mạng sống của nhiều người bệnh. Họ thường sử dụng phương pháp điều trị thay thế làm giảm thời gian sống, giảm chất lượng sống.
“Có những bệnh nhân may mắn được chẩn đoán sớm hoặc đáp ứng rất tốt với hóa trị và xạ trị nhưng lại nghe theo tin đồn dùng thuốc nam hoặc thực dưỡng, dùng thực phẩm chức năng nào đó, bỏ lỡ giai đoạn điều trị dứt điểm bằng các phương pháp hiện đại”, BS Quý nói.
"Nhịn ăn để... bỏ đói tế bào ung thư"?
TS.BS Phạm Tuấn Anh cho biết thêm trong quá trình khám chữa cho bệnh nhân ung thư, ông thường nghe nhiều nhất là “ung thư là bệnh nan y không điều trị được”. Đây là thông tin không đúng.
“Với các tiến bộ y học ngày nay có thể chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống thêm đáng kể tùy loại ung thư, giai đoạn bệnh và đặc điểm sinh học. Một số loại bệnh ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh hơn 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng…”, BS Tuấn Anh thông tin.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cũng dễ "dính" tin đồn nhất. TS.BS Đào Thị Yến Phi cho biết nhiều người có khuynh hướng nghĩ thực phẩm nếu có ăn sai cũng không ảnh hưởng gì nhưng thực tế, việc ăn uống sai, áp dụng chế độ chưa được kiểm chứng gây ra rất nhiều nguy cơ.
“Các chế độ nhịn ăn gián đoạn để bỏ đói tế bào ung thư dẫn đến tình trạng suy kiệt. Bởi mỗi tế bào đều có chức năng, nếu bỏ đói cơ thể, tế bào bình thường sẽ chết trước do tế bào ung thư mạnh hơn rất nhiều. Với người bệnh ung thư, tất cả tác động lên cơ thể đều có ảnh hưởng đến sức khỏe”, BS Yến Phi nhấn mạnh.
BS khuyến nghị các biện pháp ăn uống nên dựa vào yếu tố sinh lý của cơ thể, của tế bào; tránh ăn thực phẩm thô - sống, không được bảo quản...
Ung thư đã và đang là gánh nặng trên toàn cầu, với hơn 19,2 triệu ca mắc mới, gần 10 triệu ca tử vong năm 2020. Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có 182.000 ca mắc mới, gần 123.000 ca tử vong./.
VOV