Theo chuyên gia, nCoV chỉ có khả năng xuất hiện tạm thời trên bề mặt thực phẩm khi người mắc Covid-19 hắt hơi, làm dính giọt bắn lên, song nguy cơ này rất thấp.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội hôm qua thông tin về chuỗi lây nhiễm nCoV tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là chùm lây nhiễm mới phát hiện. Ổ dịch này khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm thông qua việc mua bán, tiêu thụ sản phẩm tại cửa hàng có ca bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngày 3/8, cho biết khả năng mắc Covid-19 thường xảy ra khi tiếp xúc gần với F0 hoặc lây qua đường giọt bắn. nCoV không lây nhiễm qua thực phẩm và thời gian virus xuất hiện trên bề mặt thực phẩm là rất ngắn. Thịt, cá, rau củ quả... mua về được làm sạch, nấu chín thì không còn khả năng lây nhiễm, vì virus đã bị tiêu diệt.
Song không loại trừ tình huống người mua vô tình chạm vào bề mặt đồ vật có chứa virus rồi đưa lên miệng, mũi... Tuy nhiên, các siêu thị đều yêu cầu người bán hàng và khách hàng sát khuẩn tay trước khi vào và đeo khẩu trang đầy đủ nên nguy cơ lây nhiễm rất thấp.
"Do đó, nếu bạn từng đến cửa hàng, siêu thị có F0 mua thực phẩm thì không nên quá lo lắng nếu đã tuân thủ quy tắc chống dịch", phó giáo sư nói.
Tuy nhiên, trước diễn biến dịch phức tạp, siêu thị còn là không gian kín, tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm virus rất cao nếu không đảm bảo đúng các nguyên tắc phòng dịch. Hơn thế, đợt dịch này chủ yếu do biến chủng virus Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn chỉ 2-3 ngày.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, nhận định trong điều kiện không có ánh sáng mặt trời, nCoV tồn tại khoảng 3-6 giờ hoặc vài ngày trên bề mặt gỗ hoặc kính. Ngoài ra, nCoV bay trong không khí phải ở dạng hạt rất nhỏ, gọi là hạt khí dung, tồn tại ở trường hợp đặc biệt như trong không gian kín.
"Ở không gian mở, thông thoáng thì không bao giờ có khí dung và virus này không đủ nhẹ để bay. Chỉ khi nào bạn tiếp xúc gần với F0 hoặc qua đường giọt bắn thì mới có khả năng mắc bệnh", bác sĩ nói.
Trước đó, các nhà khoa học Mỹ và thế giới đều khẳng định không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy nCoV lây lan qua thực phẩm. Về mặt lý thuyết, virus có thể tồn tại trên bề mặt thực phẩm hay bao bì, song nguy cơ một người bị nhiễm nCoV do chạm tay vào một gói hàng chứa giọt bắn từ người đóng gói thực phẩm mắc bệnh là rất thấp.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cùng Tổ chức Y tế Thế giới cũng thông báo trong hướng dẫn cho người dân rằng không có bằng chứng cho thấy mọi người có thể mắc Covid-19 từ thực phẩm. Các cơ quan này chỉ khuyến nghị mọi người phải rửa tay sạch trước khi ăn và đảm bảo yếu tố vệ sinh tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Người dân nên tự phòng tránh lây nhiễm nCoV thông qua việc chủ động đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn sau khi nhận hàng, trở về từ siêu thị, chợ, nơi đông người. Thực hiện khai báo y tế hàng ngày khi đến chợ để làm việc và mua hàng. Che mũi, miệng khi ho và hắt hơi, vứt khẩu trang đúng nơi quy định.
Bộ Y tế cũng yêu cầu cửa hàng, gian hàng cần thực hiện giãn cách để bảo đảm khoảng cách an toàn phòng, chống dịch, bố trí vách ngăn giữa các hộ kinh doanh, gian bán hàng, cửa hàng; giảm ít nhất 50% số người làm việc đối với gian hàng có trên 10 người làm việc, bán hàng hoặc theo quy định của chính quyền địa phương.
Như vậy, từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.105 ca nhiễm, thuộc 11 chùm lây nhiễm. Chùm ca nhiễm ho sốt và những người liên quan đã ghi nhận tổng cộng 480 ca, chùm lây nhiễm mới ở Công ty thực phẩm Thanh Nga ghi nhận 30 ca nhiễm trong ba ngày 1-3/8.
VNE