Dị nguyên (yếu tố gây dị ứng) từ thú cưng có thể xâm nhập vào các lớp màng ở mắt và mũi gây ra các phản ứng: phù nề niêm mạc gây giảm thị lực, chảy nước mắt, sung huyết củng mạc mắt, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi…
Nuôi thú cưng là sở thích của nhiều người lớn và trẻ em. Tuy nhiên đây cũng là một căn nguyên của viêm mũi xoang – viêm họng dị ứng không đáp ứng với điều trị, vì luôn luôn có yếu tố dị nguyên tồn tại bên cạnh.
Hãy cùng tìm hiểu và cân nhắc việc liệu có nên chấp nhận bị dị ứng để tiếp tục nuôi thú cưng trong nhà?
Những người bị dị ứng thú cưng có hệ thống miễn dịch rất nhạy cảm. Hệ thống miễn dịch này có thể phản ứng với các protein vô hại trong nước tiểu, nước bọt hoặc lông tơ , tế bào da chết, bọ chó, bọ mèo… của thú cưng. Chất gây dị ứng của thú cưng có thể tích tụ trên đồ đạc và sàn nhà, mặt ghế xô-pha vv… Ngoài ra, chất gây dị ứng có thể xâm nhập vào không khí khi động vật được chăm sóc hoặc chải chuốt, các hạt nhỏ lơ lửng trong không khí trong thời gian dài.
Dị nguyên từ thú cưng (chó, mèo…) gây dị ứng như thế nào?
Dị nguyên từ thú cưng (chó, mèo…) có thể xâm nhập vào các lớp màng ở mắt và mũi gây ra các phản ứng: phù nề niêm mạc gây giảm thị lực, chảy nước mắt, sung huyết củng mạc mắt, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi… Các biểu hiện này có thể xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với chó mèo hoặc vài ngày sau.
Vết cào hoặc liếm của vật nuôi có thể khiến vùng da bị mẩn đỏ.
Những người nhạy cảm cao có thể bắt đầu ho, thở khò khè và khó thở trong vòng 15 đến 30 phút sau khi hít phải chất gây dị ứng. Đôi khi những người nhạy cảm cao cũng bị phát ban nặng khắp trên mặt, cổ và phần trên ngực.
Làm thế nào để biết mình dị ứng với thú cưng?
Bạn hãy chịu khó quan sát và theo dõi. Nếu bạn thấy người nào đó trong nhà xuất hiện những biểu hiện bất thường của kết mạc mắt và niêm mạc mũi như: giảm thị lực, chảy nước mắt, xung huyết đỏ mắt; hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi… ngay sau khi bạn đưa thú cưng về nhà hoặc vài ngày sau đó, thì có thể người ấy bị dị ứng với vật nuôi.
Để chắc chắn hơn, cần làm các xét nghiệm như: Xét nghiệm máu: để phát hiện tăng bạch cầu ái toan, làm test dị nguyên từ thú nuôi.
Điều trị như thế nào?
Cách điều trị tốt nhất là tránh tiếp xúc với thú cưng hoặc khu vực chúng sinh sống. Nếu bạn vẫn muốn nuôi thú cưng của mình, cần tìm cách giảm tiếp xúc. Ví dụ: Không để thú cưng của bạn vào phòng ngủ. Sử dụng máy lọc không khí… Chất gây dị ứng động vật có tính dính. Vì vậy, bạn không nên giữ đồ đạc yêu thích của con vật, bỏ thảm trải sàn, thường xuyên lau chà sạch tường và đồ gỗ, giữ các bề mặt trong nhà sạch sẽ, gọn gang, thường xuyên làm vệ sinh.
Khi hút bụi, hãy đeo mặt nạ, khẩu trang để chống bụi. Máy hút bụi khuấy động các chất gây dị ứng đã bám lắng trên thảm và ảnh hưởng đến tình trạng dị ứng của bạn đấy.
Hãy thay quần áo sau khi tiếp xúc lâu với động vật.
Hệ thống sưởi và điều hòa không khí cũng có thể lan truyền chất gây dị ứng trong nhà. Hãy che các lỗ thông hơi trong phòng ngủ bằng vật liệu lọc dày đặc như vải thưa.
Nên tắm cho thú cưng thường xuyên, việc này có thể làm giảm các chất gây dị ứng trong không khí. Luôn làm sạch khay vệ sinh, nơi đi vệ sinh của thú cưng.
Bạn có thể nhờ người không bị dị ứng vật nuôi chải lông cho chúng bằng lược chuyên dụng để loại bỏ lông tơ.
Cuối cùng, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa Tai- Mũi- Họng và Dị ứng để được khám, tư vấn về các lựa chọn thuốc hoặc liệu pháp miễn dịch./.
VOV