Bệnh nhân ung thư cần ưu tiên tiêm chủng sớm, kể cả người đang xạ trị hoặc hóa trị, do thuộc nhóm dễ chuyển nặng nếu mắc Covid-19.
PGS. TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân đang hóa trị hoặc đang xạ trị không thuộc nhóm chống chỉ định của tiêm chủng.
"Do đó, bạn nên đi tiêm phòng ngay khi có thể vì bạn thuộc đối tượng mắc bệnh nền, nên nếu nhiễm bệnh thì tỷ lệ tiến triển nặng cao hơn người không có bệnh nền", bác sĩ nhấn mạnh.
Trường hợp bạn mắc ung thư chưa xạ trị thì nên tiêm vaccine sớm, sau đó xạ trị.
Bệnh nhân đang xạ trị nếu không có tác dụng phụ trầm trọng thì không cần nghỉ xạ và vẫn tiêm vaccine bình thường. Trường hợp đang xạ trị và có nhiều tác dụng phụ, cần kiểm soát các tác dụng phụ ổn định rồi chích ngừa.
Nếu bạn đang được điều trị hóa trị tấn công, đặc biệt với các phác đồ hóa chất mạnh có nguy cơ giảm các dòng tế bào máu gây hạ bạch cầu có nguy cơ nhiễm khuẩn (sốt...) hoặc đang xạ trị nhưng có nhiều biến chứng gây viêm loét vùng xạ hoặc nhiễm trùng, suy tủy..., thời điểm tiêm chủng là giữa các chu kỳ hóa trị hoặc khi các biến chứng của xạ trị đã được kiểm soát. Ngoài ra, cần được đánh giá xét nghiệm máu để không có nguy cơ hạ bạch cầu.
Sau tiêm chủng, bạn có thể có phản ứng đau tại nơi tiêm, sốt, mẩn đỏ tại vùng tiêm, sưng tấy tại vùng tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa trên da, phát ban... Điều này có thể làm chậm chu kỳ hóa trị tiếp theo khoảng vài ngày nhưng "không làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị bệnh".
Theo bác sĩ Phương, các điểm tiêm vaccine phòng Covid 19 hiện nay đều có đội ngũ nhân viên y tế được đào tạovề kỹ năng khám sàng lọc trước tiêm, tiêm và xử lý các phản ứng sau tiêm. Do đó, khi được mời đi tiêm chủng, bạn hoàn toàn yên tâm và phối hợp tốt với nhân viên y tế.
Người đi tiêm cần khai rõ tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng, các thuốc đang dùng, quá trình điều trị bệnh để các bác sĩ thăm khám đưa ra quyết định tối ưu cho bạn.
Hầu hết trường hợp đều được tiêm phòng tại điểm tiêm chủng mà không phải vào bệnh viện. Tuy nhiên, một số trường hợp có chỉ định làm thêm một số xét nghiệm thì sẽ được tư vấn để đến tiêm tại bệnh viện, đảm bảo an toàn.
Sau tiêm, người bệnh cần được theo dõi sát sao để phát hiện và xử lý kịp thời các tác dụng phụ, nếu có.
Người thân hoặc người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng cần được tiêm chủng, đồng thời nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K và khuyến cáo phòng tránh dịch bệnh để bảo vệ bản thân và người nhà.
VNE