Trong một tuần, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 10 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trong đó 4 trường hợp tử vong.
Nhiều bệnh nhân nặng
TS.BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, Bệnh viện tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng biến chứng nguy kịch, thậm chí tử vong.
Từ cuối tháng 8, Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Trong đó, riêng trong tuần vừa qua ở Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 10 bệnh nhân nặng, trong đó có 4 ca tử vong.
Các trường hợp này khi được đưa đến viện đều ở ngày thứ 4-5 của bệnh, trong tình trạng rất nặng như suy gan, suy thận, một số bệnh nhân mất máu nhiều. 4 trường hợp tử vong do diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp tích cực cũng không cứu sống được người bệnh.
Ngoài ra, tại khoa hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nặng. Như trường hợp một nữ bệnh nhân 38 tuổi vào viện ở ngày thứ 4 của bệnh. Ngay ở thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ trong tình trạng rất nặng phải lọc máu và thở máy.
Một trường hợp khác là một bệnh nhân nam vào viện ở ngày thứ 6 với lượng tiểu cầu rất thấp, có tình trạng tràn dịch màng phổi, ổ bụng, và khó thở.
"Bệnh nhân này khi vào viện, tiểu cầu chỉ ở mức 6, phải ngay lập tức tiến hành truyền tiểu cầu", BS Hùng cho biết.
Theo dõi trở nặng từ ngày thứ 4
Theo BS Hùng, bệnh nhân sốt xuất huyết nói chung diễn biến nặng sẽ từ ngày thứ 4 trở đi, khi có hiện tượng thoát dịch ra lòng mạch.
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.
Các bác sĩ cũng cảnh báo sự bất thường của dịch bệnh khi mà số ca nặng, tử vong cao hơn hẳn so với những năm trước đó và xuất hiện sớm hơn.
BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đánh giá 3 lý do khiến gia tăng các ca sốt xuất huyết nặng:
Thứ nhất: Có thể là đặc tính của virus hoặc diễn biến trên quần thể bệnh nhân có thay đổi, đặc biệt là sau một giai đoạn dài chống Covid-19, số người bị nhiễm Covid-19 rất nhiều, miễn dịch của người dân thay đổi, điều đấy cũng làm ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân.
Thứ 2 là ngành y tế đang gặp khó khăn, nhiều nơi đang thiếu thuốc hoặc nhân viên phòng chống dịch, điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân.
Thứ 3 là đáp ứng điều trị, mấy năm vừa rồi mọi người tập trung vào Covid-19, nên có vẻ như nhiều nơi một số bác sĩ quên đi một số kiến thức về sốt xuất huyết.
Đặc biệt BS Cấp lưu ý việc cấp cứu bệnh nhân sốt xuyết huyết nặng trong quá trình chuẩn viện.
"Quá trình cấp cứu phải liên tục, phải được xử lý theo dõi sát, 20-30 phút, thậm chí 5-10 phút/ 1 lần. Có một số nơi không chú ý điều đó, khi xử lí bệnh nhân ổn rồi sau đó chuyển lên tuyến trên, trên quãng đường vận chuyển mà không đảm bảo được theo dõi và tiếp tục điều trị sâu sát thì bệnh nhân có thể tái sốc trở lại hoặc có biến chứng", BS Cấp cảnh báo.
Nhận diện sớm sốt xuất huyết
Theo BS Cấp, dịch sốt xuất huyết đang song hành với Covid-19 và cúm A. Khi xuất hiện dấu hiệu sốt đầu tiên, người bệnh không nghĩ đến sốt xuất huyết ngay mà phải đến lúc có diễn biến khá nặng như chảy máu, choáng, sốc (thường ở ngày thứ 4-5 sau sốt) thì mới vào viện.
Để phân biệt và nhận diện sớm sốt xuất huyết, BS Cấp lưu ý: "Cúm và Covid-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, thường bệnh nhân sẽ có triệu chứng ở đường hô hấp như ho, đau họng, chảy mũi, hắt hơi. Còn với sốt xuất huyết, bệnh nhân đa phần sốt cao, không có triệu chứng hô hấp trong giai đoạn đầu tiên".
Tuy nhiên, tốt nhất khi có triệu chứng sốt, đau mỏi người, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán căn nguyên bệnh, từ đó có theo dõi và điều trị phù hợp.
Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt như dùng kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi để không bị nhiễm bệnh.
Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm
Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn, uống được.
- Nôn ói nhiều.
- Đau bụng nhiều.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Mệt lả, bứt rứt.
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
- Không tiểu trên 6 giờ.
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
- Khó thở.
Theo Dantri.com.vn