Khi dịch lây lan mạnh tại nhiều KCN, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhắc lại bài học giữ môi trường thông thoáng, cách làm đơn giản và hiệu quả chống tích tụ virus nồng độ cao.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, cho biết trong dịch SARS năm 2003, hầu hết nhân viên y tế Việt Nam bị lây nhiễm virus do môi trường phòng bệnh thông khí kém. nCoV cũng tương tự như vậy, đặc biệt biến chủng Ấn Độ có khả năng lây lan nhanh trong không khí.
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng nCoV ở nhiệt độ 4 độ C sẽ còn nguyên trong 14 ngày, lưu trên giấy là ba giờ; tồn tại trên gỗ hay quần áo hai ngày; ở thủy tinh và tiền 4 ngày; với thép, inox hay nhựa là 7 ngày; khi nhiệt độ ở 70 độ C thì sau 5 phút virus sẽ chết. Đáng lo ngại, những giọt khí dung nhỏ nhất có thể tồn tại trong không khí hàng giờ liền, và còn có thể lâu hơn nếu nồng độ trong không khí dày đặc do môi trường khép kín, thông gió kém.
"Các vũ trường, quán karaoke, phương tiện ôtô, khoang máy bay, phòng bệnh, phòng làm việc, khu công nghiệp... là môi trường kín, tạo điều kiện thuận lợi tạo hạt khí dung tích tụ, dễ lây bệnh nhanh, đúng như bối cảnh dịch hiện nay", chuyên gia nói.
Theo bác sĩ Hà, các biện pháp lưu thông khí rất quan trọng, và đó là chiến lược ngăn chặn nCoV lâu dài. Thông khí không chỉ giúp môi trường lành mạnh mà còn phòng ngừa Covid-19.
Tại nhà, nên thường xuyên mở cửa sổ và cửa ra vào. Dù chỉ mở hé cũng giúp tăng lưu thông không khí bên ngoài vào bên trong, giúp giảm khả năng tích tụ virus trong không khí. Bên cạnh đó, có thể buộc cố định an toàn quạt ở cửa sổ để thổi không khí có khả năng ô nhiễm ra ngoài và hút không khí mới vào. Cân nhắc tổ chức các hoạt động, lớp học hoặc bữa ăn ngoài trời khi tình hình cho phép. Dùng quạt xả trong khu vực bếp và phòng vệ sinh.
Tại bệnh viện, tất cả phòng khám ngoại trú, buồng bệnh đều phải mở toang cửa sổ, cửa chính, lắp quạt máy xoay... Ở các siêu thị, cửa hàng, quán cà phê, quán ăn, lớp học cũng vậy. Đối với các khu săn sóc đặc biệt, phòng cấp cứu cần làm thông gió. Đóng cửa các dịch vụ trong phòng kín như karaoke, quán bar, rạp chiếu phim...
Thông gió là vấn đề quan trọng trên phương tiện giao thông như taxi, xe buýt, xe khách... Nếu không thể mở toang cửa, có thể mở hé cửa hoặc phải dùng quạt thông gió...
Bác sĩ Trương Xuân Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện 199, Bộ Công An, phụ trách công tác phòng chống Covid-19, cho biết so với các chủng virus khác, biến chủng từ Ấn Độ có thời gian ủ bệnh kéo dài, sau 14 ngày và nhiều lần xét nghiệm mới cho kết quả dương tính, gây khó khăn trong việc xác định một người nhiễm bệnh.
"Chính thời gian ủ bệnh lâu khiến virus sinh sôi làm tăng tải tượng virus trong người và lây lan ra cộng đồng", bác sĩ nói.
Hiện, phần lớn kết quả giải trình tự gene virus các ca nhiễm tại Việt Nam đợt dịch mới đều thuộc biến chủng Ấn Độ. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 2.406, ghi nhận ở 30 tỉnh thành, trong đó điểm nóng Bắc Giang số ca nhiễm cao nhất lên 1.069.
Cách ly F1 âm tính tại nhà, xét nghiệm đại diện hộ gia đình
Ngoài biện pháp về thông khí, bác sĩ đề xuất một ý tưởng để khống chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, là với các F1 âm tính nên cho cách ly tại nhà, giám sát chặt chẽ bởi địa phương, cho nhân viên y tế tới lấy mẫu xét nghiệm. Nếu giám sát tốt thì việc cách ly tại nhà với các F1 âm tính vừa giảm áp lực cho người đi cách ly và cho cơ quan quản lý, đỡ gây thiệt hại kinh tế và lây nhiễm chéo.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 24/5, phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, cho rằng trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay có hàng chục nghìn F1, cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng; F1 ít nguy cơ sẽ được xét nghiệm bằng nhiều phương pháp kết hợp như PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, mẫu gộp. F1 nguy cơ cao phải cách ly tập trung; F1 nguy cơ thấp cách ly nghiêm ngặt tại nhà như với F2.
Trường hợp F1 được coi là "nguy cơ cao" khi tiếp xúc gần với bệnh nhân trong phòng kín, có bật điều hòa, không đeo khẩu trang, khoảng cách dưới 2 m... Còn F1 "nguy cơ thấp" là những người ít có khả năng lây nhiễm hơn, khi tiếp xúc với ca dương tính có đeo khẩu trang, ở ngoài trời hoặc nơi thoáng khí, khoảng cách trên 2 m.
Ngoài ra, biến chủng Ấn Độ có thời gian ủ bệnh lâu, ít biểu hiện triệu chứng nên cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, lấy mẫu đại diện hộ gia đình, xét nghiệm mẫu gộp để đạt hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Trong đợt dịch lần hai năm 2020, phương pháp lấy mẫu gộp 5 đã cho thấy hiệu quả về số mẫu xét nghiệm đồng thời tiết kiệm kinh phí, chi phí xét nghiệm giảm xuống còn gần 12 tỷ đồng thay vì hơn 55,4 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn. Từ ngày 8 đến 23/8/2020, số người được lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Đà Nẵng là 97.103 người. Năm 2021, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đà Nẵng tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm thành mẫu gộp nhóm 10 trong đợt dịch này.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm 27/4 cho biết, biến chủng B.1.617 xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Nó chứa 13 đột biến khác nhau, trong đó có hai đột biến nguy hiểm là L452R từng xuất hiện trong biến thể ở California, Mỹ, và E484Q giống với loại xuất hiện ở Nam Phi, Brazil. Hai đột biến này có khả năng lây lan nhanh chóng và làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19. Giới khoa học gọi B.1.617 là biến chủng kép.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, B.1.17 từ Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) so với chủng gốc, nhưng B.1.617 từ Ấn Độ còn có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn cả chủng Anh. Ngoài ra, biến chủng này còn lây nhanh trong không khí, nhất là môi trường kín.
Thực tế cho thấy trong đợt dịch này, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín, lây nhiễm rất nhanh. Cụm dịch ở Công ty Hosiden tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang, là một ví dụ. Bắc Giang hiện là ổ dịch lớn nhất với 980 ca nhiễm, chủ yếu là công nhân khu công nghiệp. Cụm dịch ở Công ty Cổ phần Dịch vụ Trường Minh tại khu công nghiệp An Đồn, Đà Nẵng, 33 nhân viên trực tổng đài mắc Covid-19. Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Đà Nẵng cho rằng tốc độ lây nhanh do đặc điểm công việc trực tổng đài, làm việc trong phòng kín, máy lạnh.
Các chuyên gia cho rằng, tuy lây lan nhanh nhưng biến chủng Ấn Độ không khiến bệnh cảnh nặng lên. Hiện nay, chính quyền cần tập trung khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm để khống chế dịch.
VNE