Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng theo mùa, vệ sinh mũi, giữ nơi ở thông thoáng,... có thể giúp ngăn mắc viêm mũi dị ứng hiệu quả.
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với một hoặc nhiều chất, gọi là kháng nguyên hay dị nguyên; gây ảnh hưởng đến mũi và giảm khứu giác như bụi, mạt bụi, phấn hoa hoặc lông vật nuôi. Người bệnh cũng có thể bị viêm mũi dị ứng khi ăn một số loại thực phẩm. Các chất này lại lành tính với hầu hết người khác. Cơ thể người mắc viêm mũi dị ứng sẽ tiết ra chất histamine khi hít phải chất gây kích ứng. Histamine thường được sinh ra để bảo vệ cơ thể khỏi các chất độc, nhưng cũng đồng thời gây ra các triệu chứng khác khi mắc viêm mũi dị ứng.
Theo Thư viện Y tế Quốc Gia Mỹ, hai dạng viêm mũi dị ứng thường gặp là dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng lâu năm. Người mắc viêm mũi dị ứng theo mùa bị kích ứng cơ thể khi thời tiết thay đổi. Mũi cũng sẽ dị ứng với các chất sinh ra theo mùa như nấm mốc, phấn hoa. Triệu chứng có thể biến mất khi mùa qua. Người mắc viêm mũi dị ứng lâu năm thường gặp phải kích ứng bởi các dị nguyên quanh năm. Triệu chứng bệnh phát ra sau khi mũi người bệnh tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường gây khó chịu cho toàn mũi và các bộ phận trên mặt. Các triệu chứng ban đầu gồm: hắt hơi; chảy nước mũi; thay đổi khứu giác; chảy nước mắt; ngứa mũi, miệng, mắt hoặc da. Triệu chứng có thể tăng dần thành ngạt mũi, ho, nghẽn tai hoặc đau họng nếu không điều trị kịp thời. Người bệnh có thể có quầng thâm hoặc bọng dưới mắt, bị nhức đầu, cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh.
Cách điều trị
Tránh tiếp xúc với yếu tố kích ứng
Các chuyên gia Tổ chức nghiên cứu Y khoa Medlineplus Mỹ cho biết, viêm mũi dị ứng có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc không kê đơn và kê đơn. Một trong số các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng phổ biến gồm tránh các yếu tố gây dị ứng. Sau khi khám bệnh và xác định được nguyên nhân gây dị ứng, bệnh nhân được khuyến nghị tránh tiếp xúc với chất kích ứng. Ví dụ, người bệnh nên nhờ người khác vệ sinh bụi và ẩm mốc vào mùa mưa. Bạn cũng có thể giữ nhà cửa thông thoáng và trang bị máy lọc không khí trong nhà để không gian sống được trong lành, giảm thiểu tác nhân gây dị ứng.
Thực hiện rửa mũi
Rửa mũi có thể giúp làm sạch các chất gây dị ứng khỏi mũi. Bạn có thể xịt nước muối sinh lý để giúp giảm kích ứng với các chất kích thích dị ứng.
Dùng thuốc kháng histamine
Chất kháng histamine có trong một số thuốc viên hoặc dạng xịt mũi - thuốc không kê đơn ngăn chặn các thụ thể histamine, ngăn ngừa các triệu chứng như hắt hơi và chảy nước mắt. Tuy nhiên, nếu đang điều trị bệnh khác, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm thuốc kháng histamine.
Dùng thuốc thông mũi
Thực hiện xông để thông mũi, dùng thuốc uống hoặc thuốc xịt thông mũi cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, bạn nên thăm khám sớm nếu không chắc chắn về triệu chứng bệnh mũi và hỏi ý kiến bác sĩ về cách sử dụng thuốc thông mũi.
Che chắn cho mũi và mắt
Thường xuyên che chắn hệ hô hấp bằng khẩu trang, đeo kính mắt y tế khi đi đường nhằm ngăn mạt bụi, nấm mốc và các chất kích ứng khác gây nguy cơ viêm mũi dị ứng.
Dùng tinh dầu xông mũi
Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về loại tinh dầu phù hợp để thực hiện xông mũi hoặc lựa chọn mùi hương tinh dầu theo sở thích. Sử dụng máy xông tinh dầu tràm hoặc thực hiện xông mũi bằng tinh dầu tràm là giải pháp được khuyến nghị giúp cải thiện chức năng hệ hô hấp và giảm mắc viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng thường được chẩn đoán và điều trị đơn giản, triệu chứng cũng sẽ tự hết khi bạn tránh xa chất gây dị ứng. Nên liên lạc và thăm khám với bác sĩ khi bạn gặp phải triệu chứng khó thở hoặc bị sưng mặt, lưỡi hoặc cổ. Nếu dị ứng tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống, bạn có thể được khuyến nghị điều trị chuyên sâu như tiêm phòng dị ứng để tăng cường sức đề kháng.
VNE