Rau muống trị ngộ độc thức ăn, kiết lỵ; rau má chữa mụn nhọt, lở ngứa; quả mướp giúp thông kinh mạch, tăng tiết sữa, an thai, theo Đông y.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết rau muống mọc dưới nước hoặc trên cạn, bén rễ ở các đốt, vị ngọt nhạt, tính mát, có nhiều tác dụng như thanh nhiệt, lợi tiểu, giã rượu. Loại rau này cũng giàu canxi và các chất dinh dưỡng như protid, glucid, sắt... có lợi cho sức khỏe, khi luộc ăn hàng ngày còn chữa tăng huyết áp.
Một số bài thuốc từ rau muống như sau:
Rau muống 500 g, cam thảo 30 g, đậu xanh 120 g sắc lấy nước đặc uống, hỗ trợ trị ngộ độc thức ăn. Cũng lượng rau đó, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, hòa mật ong vào uống từ từ, chữa xuất huyết, đái ra máu.
Đọt non 7 ngọn cùng đường, giã nhuyễn, đắp ngoài da, chữa mề đay, lở ngứa; hoặc sắc uống cùng vỏ lựu nước, mỗi loại một nắm, trị kiết lỵ.
Một bó rau muống tươi bỏ vào bụng một con gà vàng tuyền làm sạch, sau đó đổ nước ngập thân gà, thêm vào một chén rượu, nấu nhừ, ăn gà và nước, liệu trình ba con, chữa chứng phù thũng nặng (nằm ngồi không yên, mặt và người sưng vù).
Rau má
Rau má mọc hoang dại, dân ta thường dùng để ăn sống, muối dưa, luộc chín hoặc nấu canh ăn. Ở một số vùng, rau má được xay ra, hòa với đường làm nước giải khát. Loại rau này chứa 88,2% nước, ngoài ra là các protein và khoáng chất. Trong Đông y, rau vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu; chủ trị các bệnh tiết niệu và sỏi, mụn nhọt, lở ngứa, sổ mũi, viêm hầu họng.
Bạn có thể lấy nước cốt rau má hòa với nước dừa xiêm uống để giải khát, bổ dưỡng; hoặc rau má giã lấy nước uống và xoa đắp ngoài giúp giải nhiệt, trị nóng sốt, lở ngứa, mụn nhọt.
Một nắm rau má cùng sắn dây 30 g cùng một nắm rau sam đem giã, cho thêm nước chín, chắt lấy nước uống hoặc sắc uống, chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, da nóng, nổi mẩn ngứa, đau bụng vặt, đại tiện không thông.
Rau má 30 g, cỏ nhọ nồi 15 g, trắc bá diệp 15 g sao cháy, sắc uống chữa chảy máu chân răng, chảy máu cam.
Rau má tươi lượng tùy dùng khi luộc ăn và uống nước còn làm thuốc lợi sữa; khi giã lấy dịch tươi uống hoặc sắc uống trị ho, đái buốt, đái dắt.
Mướp
Mướp vị ngọt, tính bình, có nhiều tác dụng như thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu đờm, mát máu, thông kinh mạch, tăng tiết sữa, bổ khí, an thai.
Nhiều bộ phận của cây mướp được dùng làm thuốc, như: xơ mướp vị ngọt, tính bình, tác dụng kháng viêm, thông mạch, lợi tiểu, cầm máu; trị đau khớp, đau cơ, ngực, viêm vú, tắc tia sữa. Có thể dùng 10-20 g mỗi ngày.
Lá mướp vị đắng chua, tính hơi lạnh, tác dụng kháng viêm, long đờm; trị ho gà, đau đầu, khát nước mùa hè; liều dùng 10-15 g mỗi ngày.
Hạt mướp vị ngọt, tính bình, tác dụng thông mạch, hóa đờm; chữa ho, đờm nhiều rãi, giun đũa, táo bón; liều dùng 5-20 g mỗi ngày.
Rễ mướp tác dụng kháng viêm; chủ trị viêm mũi, viêm xoang, dùng 40-120 g mỗi ngày.
Tua cuốn của mướp tác dụng kháng viêm; trị viêm mũi, viêm xoang; liều dùng 40-60 g mỗi ngày.
Một số món ăn, bài thuốc từ quả mướp như sau:
Quả mướp tươi nấu canh cùng móng giò lợn, chữa ít sữa ở phụ nữ sau sinh. Đốt tồn tính quả mướp khô (không đốt cháy thành tro hoàn toàn, chỉ cho cháy lớp ngoài chừng 70%), tán bột, uống 8 g mỗi lần với rượu, chữa tắc tia sữa. Lá mướp giã vắt lấy nước cốt, tẩm, bôi chữa đầu chốc lở sau sinh.
VNE