Nhiều người quan niệm sốt xuất huyết phải có "chảy máu", nhưng không có dấu hiệu này thì bệnh vẫn diễn biến nặng, thậm chí tử vong.
Ngày 25/11, tại Hội nghị khoa học toàn quốc về Bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhận định việc gọi theo tên sốt xuất huyết có thể khiến người dân chủ quan trong chăm sóc và điều trị.
Theo đó, người bệnh cho rằng bệnh sốt xuất huyết phải gây chảy máu. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, có trường hợp giảm tiểu cầu nặng, tử vong song không xuất huyết, bác sĩ Phúc thông tin.
Ngoài ra, một số người tự điều trị tại nhà vì cho rằng bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị tương tự Covid-19 hay cúm, khi nặng mới vào viện, lúc đó nhân viên y tế rất vất vả trong điều trị. Trong khi những bệnh nhân đi khám sớm, được theo dõi sát diễn biến, tỷ lệ khỏi bệnh và hồi phục rất cao.
Từ tháng 5 đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận 15 ca tử vong do sốt xuất huyết. Trong khi năm 2021, cơ sở y tế này không ghi nhận trường hợp tử vong nào do căn bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết điểm chung của các trường hợp là tình trạng sốc sâu, suy đa phủ tạng; nhiều người đã ngừng tim trên đường vận chuyển. 50% trường hợp tử vong ngay từ những ngày thứ 4,5 của bệnh.
"Những bệnh nhân này thường thuộc nhóm nguy cơ cao, nhưng không được kiểm soát tốt, không phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng hoặc có phát hiện nhưng xử lý ban đầu chưa đạt hiệu quả. Trong đó có thể kể đến việc truyền chưa đủ tốc độ, ngừng hoặc giảm tốc độ truyền dịch quá sớm hay không duy trì truyền dịch đủ trên đường vận chuyển lên tuyến trên", bác sĩ Cấp cho biết.
Bên cạnh đó, người bệnh có các tình trạng chồng chéo dẫn đến khó phát hiện đối với những nơi ít kinh nghiệm. Ví dụ, tình trạng sốc ở người có tiền sử tăng huyết áp, họ được điều trị nâng huyết áp lên mức như người bình thường nhưng vẫn không đủ áp lực tưới máu cơ thể. Những người bệnh bị chảy máu kín đáo như chảy máu trong ổ bụng, trong cơ trên nền cô đặc máu cũng rất dễ bị bỏ sót. Hoặc tình trạng bội nhiễm vi khuẩn trên nền hạ bạch cầu máu do sốt Dengue cũng khiến nhiều thầy thuốc ít kinh nghiệm khó phát hiện ra.
"Nếu các tình trạng bệnh lý này không được phát hiện và xử lý đúng kịp thời, bệnh nhân sẽ diễn biến nặng nhanh chóng", bác sĩ Cấp nói.
So sánh với các năm trước, các chuyên gia y tế cho rằng tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng tăng lên, tình trạng nặng diễn ra sớm hơn. Diễn biến thông thường là bệnh nhân nặng lên từ ngày thứ ba, đến ngày 5-7 mới đi vào sốc, tiến trình xảy ra từ từ. Nhưng trong năm 2022, 50% bệnh nhân bị sốc từ ngày 3, 4, 5 của bệnh. Như vậy, nhiều bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết từ rất sớm. Từ đó, có hai vấn đề chính đặt ra để các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu hơn trong thời gian tới: virus có thay đổi về độc lực và bệnh nhân có bị thay đổi miễn dịch với virus Dengue hay không.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Chi Lê
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tuần 4-11/11 cả nước ghi nhận hơn 10.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, giảm 0,8% so với tuần trước. Trong đó, hơn 8.300 ca bệnh nhập viện, giảm 0,6% so với tuần trước.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 300.000 ca mắc mới, 112 người tử vong; số mắc tăng 4,9 lần, số tử vong tăng 88 trường hợp so với cùng kỳ 2021.
Hiện số mắc mới tại miền Nam giảm, miền Bắc và miền Trung tiếp tục tăng. Trong đó, Hà Nội đang trong thời gian cao điểm dịch sốt xuất huyết. Từ cuối tháng 10, số ca mắc mới tại thủ đô thường xuyên duy trì trên 1.000 ca một tuần, 16 người tử vong. Số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Vnexpress.net