kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Làm gì khi ngộ độc thực phẩm?

Làm gì khi ngộ độc thực phẩm?

Khi có người bị ngộ độc thực phẩm, cần giúp họ nôn số thức ăn ra ngoài, đồng thời cho uống nhiều nước và đưa đến bệnh viện gần nhất.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Tống Minh Nhựt, phó trưởng khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết khi phát hiện người có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần thực hiện các bước sơ cứu như sau:

Đầu tiên là gây nôn cho bệnh nhân, nếu họ không thể tự nôn được. Bệnh nhân nôn ói càng nhiều càng tốt, để hạn chế chất độc hấp thụ vào máu qua đường tiêu hóa. Quá trình gây nôn chú ý cho bệnh nhân nằm đầu cao, nghiêng sang một bên. Việc này nhằm tránh chất nôn trào ngược vào đường hô hấp, gây nặng thêm tình trạng ngộ độc.

Sau đó, cho bệnh nhân uống nhiều nước. Các loại nước có thể uống được là nước dừa, nước đun sôi để nguội, nước suối, nước cháo hoặc dung dịch oresol. Bổ sung nước sẽ giúp bù lại lượng nước cơ thể đã mất do tiêu chảy, nôn ói.

Cuối cùng là gọi xe cấp cứu hoặc tự đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Bác sĩ Nhứt khuyên người nhà phải lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, kèm nhãn mác của thực phẩm. Các chuyên gia y tế sẽ tiến hành xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc.

"Nếu xảy ra trường hợp ngộ độc hàng loạt, ngoài việc đưa các bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị, còn cần báo cho cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn ngộ độc tiếp diễn trên diện rộng", bác sĩ nhấn mạnh.

Ngộ độc thực phẩm, hay ngộ độc thức ăn, trúng thực, là tình trạng ăn uống phải thức ăn, nước uống không được bảo quản kỹ, để lâu ngày bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn và các độc tố của vi khuẩn. Thậm chí thức ăn có chứa các hóa chất bảo quản độc hại...

Dấu hiệu thường gặp khi ngộ độc thức ăn là đau bụng vùng trên rốn kèm theo buồn nôn, nôn ói, hoặc đau bụng vùng dưới rốn, hoặc đau khắp bụng kèm theo tiêu phân lỏng nước, phân đàm nhầy, có khi kèm máu và sốt. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị tê tay chân do bị mất nước và chất điện giải. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Theo bác sĩ Nhựt, dịp Tết nhiều người mua thực phẩm tại những điểm bán không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát, kiểm định chất lượng từ cơ quan chức năng. Ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến tình trạng ngộ độc thực phẩm dịp Tết tăng cao. Vì thế, người dân cần thận trọng hơn khi lựa chọn thức ăn, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy