Trẻ sốt trên 38,4 độ C, chán ăn, quấy khóc nhiều, chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, cổ bị sưng hoặc cứng cổ cần đưa trẻ đi khám.
Bác sĩ Phí Xuân Thi, Khoa Nhi, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết viêm họng thường do nhiễm trùng từ virus hoặc vi khuẩn. Trẻ em có thể lây bệnh dễ dàng cho nhau vì chúng thường chạm vào nhau, chơi chung đồ chơi, hoặc cho đồ chơi vào miệng.
Trẻ sốt trên 38,4 độ C, không muốn ăn hay uống bất cứ thứ gì, bố mẹ nên gọi cho bác sĩ để được tư vấn. Nếu khó thở hoặc khó nuốt, chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, cổ bị sưng đau hoặc cứng cổ thì cần đưa trẻ đi viện ngay để bác sĩ trực tiếp thăm khám.
Theo bác sĩ Thi, trẻ em viêm họng do nguyên nhân virus thường không cần thiết phải đi khám. Triệu chứng thường gặp là chảy mũi, ngứa hoặc đỏ mắt, ho, khàn tiếng. Bố mẹ không cần vội vàng cho trẻ uống kháng sinh. Tuy nhiên, trẻ viêm họng do vi khuẩn, thường gặp nhất là vi khuẩn liên cầu, lại rất nguy hiểm.
Với viêm họng do liên cầu, mảng trắng có thể xuất hiện ở amidan hay các nốt đỏ ở vòm họng hoặc sưng lưỡi gà. Người có triệu chứng viêm họng liên cầu thì thường không có ho, chảy mũi hay ngứa đỏ mắt.
Khi trẻ viêm họng, bố mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn, đồ uống lỏng, dễ nuốt như canh, súp để cung cấp năng lượng. Không sử dụng Aspirin và những thuốc có chứa thành phần aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi. Không sử dụng các loại thuốc xịt hay nhỏ họng khác, làm tăng các nguy cơ phản ứng dị ứng hoặc có các tác dụng phụ khác của thuốc.
Vệ sinh tay của trẻ thường xuyên với xà phòng và nước để tránh lây nhiễm hoặc tái phát bệnh. Dạy cho trẻ cách tránh sự lây nhiễm của mầm bệnh, như không gặp hay chạm vào mặt sau khi tiếp xúc với những người bị ốm. Giữ ấm cho trẻ, nhất là trẻ dưới một tuổi cần đầy đủ mũ, găng tay, tất để giữ ấm, nhất là phần đầu, tai, tay, chân là những bộ phân cơ thể thường xuyên tiếp xúc trực tiếp ra ngoài không khí.
Có thể sử dụng điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi để giữ ấm. Tuyệt đối không dùng bếp than vì khí CO có thể gây độc, ngạt cho bé và những người xung quanh.
VNE