Bên cạnh các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, các nhà khoa học cũng đang ngày đêm tìm kiếm thêm nhiều hướng tiếp cận mới, để điều trị ung thư hiệu quả hơn và an toàn hơn.
Các thử nghiệm lâm sàng sử dụng 1 loại vi khuẩn kị khí có tên Clostridium novyi-NT, để tiêu diệt phần lõi của một số khối u ung thư đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.
Cụ thể, các vi khuẩn này đã ăn các phần bên trong của khối u (nơi có lượng oxy thấp), sau đó chết khi chúng tiếp xúc với phần giàu oxy của khối u (phần rìa). Vì Clostridium novyi-NT không thể ăn các phần giàu oxy của khối u, nên trong điều trị cần kết hợp thêm một phương pháp khác để loại bỏ phần ung thư còn lại.
Phương pháp điều trị này dựa trên sự khác biệt vốn có giữa các tế bào khỏe mạnh của bệnh nhân và các tế bào trong khối u. Cụ thể, vì là vi khuẩn kị khí nên Clostridium novyi-NT không thể sống trong môi trường giàu oxy như cơ thể người, nhưng có thể tồn tại và nhân lên một cách an toàn trong môi trường thiếu oxy như trung tâm của khối u.
Do đó, chúng không thể gây hại trực tiếp cho bệnh nhân, nhưng sẽ gặm nhấm hết phần lớn khối u. Ở một số bệnh nhân, sự hiện diện của vi khuẩn còn kích thích các phản ứng miễn dịch đặc hiệu chống lại khối u, từ đó cộng hưởng thêm hiệu quả tiêu diệt ung thư. Tuy nhiên, các thử nghiệm ban đầu cũng cho thấy phương pháp điều trị này có thể gây ra tình trạng viêm gia tăng ở các mô xung quanh.
Được biết, các chủng vi khuẩn kị khí khác cũng đã và đang được các nhà khoa học xem xét cho việc điều trị ung thư theo cơ chế tương tự.
Minh Nhật