kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đau ở ngực phải có thể cảnh báo cơn đau tim

Đau ở ngực phải có thể cảnh báo cơn đau tim

Nhiều người nghĩ cơn đau tim xuất hiện ở ngực trái mà không biết rằng, đau bên ngực phải cũng có thể là biểu hiện của đau tim và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Cơn đau ở bên ngực phải có thể đến và đi hoặc dai dẳng. Ngoài nguyên nhân liên quan đến tim mạch, đau bên ngực phải còn có nhiều nguyên nhân, bao gồm các vấn đề liên quan đến phổi, tiêu hóa, cơ xương. Nó có thể xảy ra ở một khu vực cụ thể của ngực hoặc khắp khoang ngực. Các triệu chứng của tình trạng này có thể bao gồm: đau âm ỉ, đau nhói, bỏng rát, buốt ngực; hụt hơi; sốt; ho dai dẳng; khàn tiếng; ợ nóng; giảm cân đột ngột; vàng mắt và da; buồn nôn và ói mửa; khó nuốt; tim đập nhanh; ợ hơi; choáng váng.

Liên quan đến tim mạch

Đau tim và các tình trạng tim mạch khác có thể gây đau ở bất kỳ vị trí nào trong ngực, kể cả bên phải. Phụ nữ bị đau tim ít có khả năng bị đau ngực trái, thay vào đó có thể cảm thấy bỏng rát ở hai bên ngực hoặc thậm chí không đau.

Các nguyên nhân khác liên quan đến tim gây đau ngực bên phải bao gồm bệnh động mạch vành, viêm màng ngoài tim và chứng phình động mạch chủ.

Bệnh động mạch vành (CAD) là loại bệnh tim phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Nó xảy ra khi các động mạch cung cấp máu cho cơ tim trở nên cứng và thu hẹp. Một số trong những mạch này, giống như động mạch chủ đi lên, được đặt ở bên phải của ngực. Bệnh động mạch vành có thể gây đau ở cả hai bên ngực hoặc chỉ ở bên phải.

Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm màng bảo vệ bao quanh tim. Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim, từ nhiễm trùng đến điều trị ung thư, bệnh thận hoặc rối loạn tự miễn dịch (như viêm khớp dạng thấp). Viêm màng ngoài tim cũng có thể xảy ra sau một cơn đau tim. Cơn đau thường tồi tệ hơn ở một số vị trí và trở nên dữ dội hơn khi hít thở sâu.

Phình động mạch chủ bóc tách xảy ra khi một vết rách trong động mạch chủ cho phép máu chảy giữa các lớp của thành mạch máu. Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất, mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Khi chứng phình động mạch chủ xảy ra, lưu lượng máu đến các cơ quan có thể bị giảm, có nghĩa là chúng bị thiếu oxy. Cơn đau mà chứng phình động mạch chủ bị bóc tách gây ra thường dữ dội, đột ngột, đau buốt và có thể dẫn đến bất tỉnh.

Đau ở ngực phải có thể cảnh báo cơn đau tim
Đau ngực phải có thể do nhiều nguyên nhân, có thể liên quan đến tim, phổi, đường tiêu hóa... Ảnh: Freepik.

Liên quan đến phổi

Ba thùy của phổi phải, lớp niêm mạc của phổi phải và các hạch bạch huyết liên quan, nằm ở bên phải của ngực. Phổi vốn không có cơ quan tiếp nhận cảm giác đau nhưng bạn vẫn có thể cảm thấy cơn đau giống như ở phổi phải. Các nguyên nhân có thể gây đau ngực bên phải bao gồm: viêm phổi, thuyên tắc phổi, ung thư phổi, xẹp phổi và tích tụ chất lỏng xung quanh phổi.

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng gây viêm các túi khí của phổi được gọi là phế nang. Điều này có thể khiến chúng chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, dẫn đến các triệu chứng như ho, sốt, ớn lạnh và khó thở. Viêm phổi, đặc biệt là nhiễm trùng phổi phải, có thể gây đau ở bên phải của ngực.

Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông ở chân vỡ ra và di chuyển đến phổi. Cơn đau này thường đột ngột và sắc nét, có thể xuất hiện triệu chứng khó thở dữ dội. Với các cục máu đông lớn, tình trạng bất tỉnh có thể xảy ra ngay lập tức. Phần lớn mọi người có thể nhớ hoặc quên mình từng bị đau, đỏ hoặc sưng ở một hoặc cả hai chân, trước khi bị thuyên tắc phổi.

Các khối u ở phổi phải, màng phổi bên phải hoặc các hạch bạch huyết gần đó có thể gây đau ở bên ngực phải. Khoảng 50% bệnh nhân ung thư phổi bị đau ở ngực, vai, bả vai hoặc giữa hai bả vai. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện như khó thở hoặc ho dai dẳng. Các khối u khác ngoài ung thư phổi cũng có thể xuất hiện trong khoang ngực, đặc biệt là u bạch huyết. Ngoài ra, ung thư vú, ruột kết và một số bệnh ung thư khác có thể di căn đến phổi.

Tràn khí màng phổi (phổi xẹp) có thể gây đau ở bên phải của ngực. Cơn đau thường buốt và nhói, trở nên tồi tệ hơn khi bạn cố gắng hít vào. Nguyên nhân của xẹp phổi bao gồm chấn thương ngực và bệnh phổi, người bệnh phải thở máu trong thời gian dài.

Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ chất lỏng trong không gian giữa các màng bao quanh phổi. Khi tràn dịch nhỏ, người bệnh có thể chỉ cảm thấy khó chịu. Nhưng với những đợt tràn dịch lớn, triệu chứng khó thở cũng thường xuất hiện. Khi chất lỏng tích tụ có chứa các tế bào ung thư thì được gọi là tràn dịch màng phổi ác tính. Điều này có thể xảy ra do ung thư bắt nguồn từ ngực (phổi, vú) hoặc lây lan từ nơi khác trong cơ thể. Những trường hợp này có xu hướng gây đau đớn ở ngực phải.

Viêm màng phổi cũng thường dẫn đến đau ngực phải dai dẳng. Cơn đau này tăng lên khi hít thở sâu và đôi khi có thể cảm thấy cồn cào. Viêm màng phổi có thể do tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc cúm nặng.

Liên quan đến đường tiêu hóa

Tình trạng tiêu hóa, đặc biệt là những bệnh liên quan đến thực quản hoặc các cơ quan ở bên phải của bụng như túi mật, gan có thể gây ra cơn đau hạn chế ở bên phải của ngực.

Tắc nghẽn thực quản (dị vật trong thực quản) là một nguyên nhân gây đau ngực bên phải đôi khi bị bỏ qua. Tình trạng này xảy ra khi thức ăn và một vật khác được nuốt vào, bị mắc kẹt trong thực quản. Dị vật thực quản gây khó nuốt và có thể dẫn đến chảy nước mắt. Co thắt thực quản có thể gây đau ngực bên phải. Nguyên nhân là do sự trục trặc của các dây thần kinh điều chỉnh chuyển động của thực quản, dẫn đến đau và ho.

Nhiễm trùng túi mật và sỏi mật đều có thể khiến người bệnh cảm thấy đau ngực bên phải, sau đó thường lan ra lưng và có thể lan sang vai phải.

Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm. Cơn đau liên quan đến viêm tụy, có thể tồi tệ hơn khi nằm và tốt hơn khi ngồi. Những người mắc bệnh tiểu đường và uống quá nhiều rượu có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Loét dạ dày và viêm dạ dày đều có thể gây ra cảm giác đau ở bên phải của ngực, nhưng nó thường phổ biến hơn ở bên trái. Cơn đau ban đầu có thể cải thiện một phần khi ăn uống. Một số người bị viêm dạ dày nặng so sánh trải nghiệm này giống như bị đau tim, vì nó cũng có thể gây ra hiện tượng đánh trống ngực, đau ở cánh tay hoặc giữa hai bả vai.

Bệnh gan như viêm gan, xơ gan cũng gây ra cảm giác đau ở bên ngực phải. Cơn đau chủ yếu phát sinh khi gan bị viêm ép vào cơ hoành. Bệnh còn có các triệu chứng như vàng da, vàng mắt.

Liên quan đến cơ xương

Cơ xương là hệ thống xương, cơ, gân, dây chằng và các mô mềm hỗ trợ cơ thể di chuyển. Khi bị chấn thương, gãy xương và các tổn thương mô mềm có thể gây đau ngực. Nếu không có tiền sử chấn thương, có một số tình trạng cũng có thể làm phát sinh đau ngực bên phải.

Căng cơ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau ngực bên phải. Các hoạt động quá sức như nâng vật nặng hoặc các bài tập thể dục căng thẳng có thể dẫn đến cơn đau này.

Viêm sụn chêm là tình trạng viêm sụn kết nối giữa xương sườn với xương ức. Tình trạng này thường do chấn thương mạn tính do lạm dụng quá mức, vì vậy hầu hết mọi người không nhớ bất kỳ chấn thương cụ thể nào. Cơn đau có xu hướng trầm trọng hơn khi hoạt động hoặc hít thở sâu, thường có cảm giác đau khi áp lực đè lên các điểm nối xương sườn.

Các tình trạng cột sống như bệnh đĩa đệm cột sống hoặc đốt sống bị nén có thể gây ra cảm giác đau trực tiếp hoặc chuyển sang bên phải của ngực. Đôi khi, sự di căn của ung thư vú hoặc ung thư phổi đến cột sống cũng gây đau đớn ở ngực phải.

Các nguyên nhân khác

Có một số nguyên nhân khác có thể gây ra cơn đau ở bên phải của ngực.

Bệnh zona là một tình trạng xảy ra khi virus thủy đậu được kích hoạt trở lại. Nếu virus nằm im trong các rễ thần kinh bên ngực phải, cơn đau có thể xảy ra ở vùng này.

Khối u trung thất là các khối u hoặc sưng hạch bạch huyết ở vùng ngực giữa phổi, có thể gây ra cảm giác đau ở hai bên ngực hoặc chỉ ở bên phải.

Rối loạn lo âu và hoảng sợ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau ngực phải. Khoảng 40% người mắc chứng rối loạn hoảng sợ sẽ bị đau ngực vào một thời điểm nào đó. Bệnh nhân cũng có thể gặp phải các triệu chứng gây đau ngực đe dọa tính mạng.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy