Vào ban đêm, nếu tay chân, mặt, lưỡi bị tê liệt, bạn có nguy cơ bị nhồi máu não.
Khi điều kiện sống ngày càng được cải thiện, con người lại dễ mắc nhiều bệnh mạn tính do được thoải mái ăn đủ các thực phẩm khác nhau, trong đó có nhiều loại không có lợi cho sức khỏe.
Một trong số các căn bệnh phát sinh từ thói quen ăn uống không lành mạnh là bệnh mỡ máu.
Đây là tình trạng nồng độ lipid trong máu quá cao, làm tăng áp lực tuần hoàn máu, dẫn đến xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.
Mọi người, đặc biệt các gia đình có người cao tuổi, nên tìm hiểu các dấu hiệu sớm để điều trị bệnh nhồi máu não kịp thời. Khi ngủ vào ban đêm, nếu có cảm giác tê ở các bộ phận sau, một người có nguy cơ bị nhồi máu não:
1. Tay chân
Tuần hoàn máu trong cơ thể con người càng xa tim thì càng khó khăn. Trong đó, bàn tay và bàn chân nằm ở vị trí cuối cùng của quá trình tuần hoàn, hoạt động của máu thường yếu hơn so với các bộ phận khác. Khi có hiện tượng tắc nghẽn mạch máu, tuần hoàn máu tay, chân sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, dẫn tới tê tay chân.
Đồng thời, sau khi hệ thống thần kinh của não bị ảnh hưởng bởi thiếu máu cục bộ, các dây thần kinh sẽ bị ảnh hưởng. Lúc này, nhiều người sẽ cảm thấy chân tay tê mỏi, thường xuất hiện ở một phía. Khi diễn biến nặng, bệnh nhân có thể bị rối loạn vận động, liệt nửa người… Đây cũng là di chứng nhồi máu não thường gặp nhất.
2. Tê lưỡi
Ngoài tê tay chân, trước khi nhồi máu não, nhiều bệnh nhân sẽ bị tê lưỡi, nói ngọng, chảy nước dãi một bên khi ngủ, hiếm khi xảy ra tình trạng chảy cả hai bên. Lý do là mô não không được cung cấp đủ máu và hệ thần kinh bị ảnh hưởng. Lúc này, dây thần kinh điều khiển lưỡi và ngôn ngữ bị tác động.
3. Mặt
Mọi người thường bị cứng mặt, tê và mắt xếch trong cơn nhồi máu não. Nguyên nhân phần lớn là do lượng máu cung cấp cho các dây thần kinh não không đủ, làm tổn thương hệ thần kinh và ảnh hưởng đến dây thần kinh điều khiển khuôn mặt.
Bề mặt cơ không được kiểm soát gây ra vẹo miệng và tê bì trên mặt. Ngay cả khi đã được điều trị, nhiều người vẫn còn bị di chứng ở các dây thần kinh trên mặt.
Bạn nên phòng ngừa bệnh càng sớm càng tốt:
- Kiểm soát chế độ ăn uống của bạn
Để ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu, điều quan trọng là phải kiểm soát hàm lượng cholesterol và chất béo trong chế độ ăn. Bạn nhớ đừng ăn quá nhiều mỡ, nội tạng động vật. Đó là các thực phẩm giàu chất béo hoặc cholesterol cao.
Ngoài ra, thực phẩm nhiều đường, tinh bột khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất béo nên cũng sẽ làm tăng nồng độ lipid trong máu.
Bạn cần thường xuyên ăn nhiều rau xanh và hoa quả chứa chất xơ, thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo và giảm nồng độ lipid trong máu.
- Tăng cường thể dục
Tập thể dục giúp giảm cân do bạn tiêu hao nhiều năng lượng khi tập luyện. Chất béo được đốt cháy để bổ sung năng lượng. Vận động có khả năng làm tiêu hao lipid máu.
Đồng thời, các hoạt động đó có thể đẩy nhanh quá trình lưu thông máu, duy trì độ đàn hồi của mạch máu và cải thiện khả năng cung cấp máu.
VNN