Cơn đau thường xuất hiện ở một bên đầu hoặc một bên mặt, đau nhức quanh mắt rồi lan dần ra cổ, vai gáy, gây cứng cổ vai gáy…
Chị Lê Thị Thanh Vân (30 tuổi, TP HCM) là nhân viên văn phòng, thường xuyên bị chứng đau nửa đầu và vai gáy bên phải. Trong ngăn kéo bàn làm việc của chị luôn có thuốc giảm đau, cao dán cổ gáy, dầu nóng, cây massage cổ gáy. "Gần như ngày nào chị cũng uống thuốc giảm đau, xoa dầu nóng, dán cao... nhưng bệnh chỉ đỡ hơn rồi đau lại. Các cơn đau xuất hiện thường xuyên và trở thành mạn tính", chị nói. Đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bác sĩ cho biết chị bị bệnh đau nửa đầu vai gáy.
Bác sĩ Hoàng Châu Bảo Đính - Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh đau nửa đầu vai gáy có thể xảy ra ở nhiều đối tượng với độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Trong đó, người trẻ tuổi, làm văn phòng chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Dù vậy không phải ai cũng nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân hay cách chữa trị.
Đau nửa đầu vai gáy là một loại đau đầu do cơ siết chặt ở vùng sau cổ, đồng thời cổ bị sai trật. Cơn đau thường xuất hiện ở một bên đầu rồi dần lan rộng ra những vùng xung quanh như cổ, vai gáy. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau ở một bên đầu hoặc một bên khuôn mặt; đau nhức quanh mắt; cứng cổ vai gáy và đau đầu sau khi cử động cổ nhất định.
Cơn đau nặng có thể xuất hiện kèm theo hoa mắt, chóng mặt, ù tai. Trong lúc đau đầu, người bệnh rất dị ứng với ánh sáng và tiếng ồn, dễ cáu gắt. Cơ thể lúc nào cũng suy nhược, mệt mỏi, uể oải. Đau nửa đầu vai gáy cũng kéo theo tê ngứa, nhức mỏi lan xuống cánh tay, ngón tay... Bệnh nếu không được điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, sinh hoạt hàng ngày và năng suất công việc của người bệnh.
Nguyên nhân của căn bệnh này thường do lối sống và thói quen sinh hoạt không khoa học gây ra như ngồi nhiều, ít vận động, duy trì một tư thế trong thời gian dài. Người làm việc văn phòng thường ngồi từ 8 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều hoặc hơni. Áp lực căng thẳng công việc khiến người ngồi tập trung một tư thế quá lâu trước màn hình máy tính, gây ra tình trạng co cứng cơ, mỏi cơ cổ. Máu không lưu thông lên não, gây ra hiện tượng đau nửa đầu vai gáy. Không chỉ đau ở nửa đầu và vùng cổ vai gáy cùng bên, cơn đau mỏi còn đau lan xuống cánh tay và gây tê các ngón tay.
Tình trạng này còn xuất phát từ việc nằm ngủ sai tư thế, dùng gối quá cứng và cao, gây co cơ, lâu ngày thoái hóa đốt sống cổ, đau vai gáy, đôi khi xuất hiện những cơn đau đầu, chóng mặt, ù tai. Những người trẻ tuổi thường căng thẳng, khó ngủ, thường xuyên ngồi máy lạnh rồi đi ra ngoài trời nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ cũng có thể bị đau nửa đầu vai gáy. Cơn đau mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức nhưng với tính chất dữ dội, âm ỉ khiến năng suất công việc và chất lượng sống giảm đáng kể.
Cơn đau nửa đầu vai gáy còn là dấu hiệu cảnh báo về vấn đề sức khỏe, phổ biến nhất là thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thiếu máu não. Khi số lượng máu, oxy và các chất dinh dưỡng bổ sung cho não không đủ khiến chức năng não bị rối loạn, gây đau đầu. Người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng như ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng... Đôi khi, nó cũng có thể báo hiệu bệnh viêm dây thần kinh chẩm.
Để phòng tránh những cơn đau nửa đầu vai gáy, bác sĩ Bảo Đính khuyên, những người thường xuyên làm việc trong văn phòng, máy lạnh... khoảng 45 phút đến một giờ nên đứng dậy vận động, đi lại, tập những bài tập thể dục tại chỗ như vươn vai, hít thở sâu rồi thở ra nhẹ nhàng, xoay nhẹ cổ gáy, xoay các khớp vai, tay... Điều này giúp cơ khớp được hoạt động, khí huyết lưu thông. Uống nhiều nước có thể thải lọc cơ thể và khớp hoạt động tốt hơn. Những người ngồi máy tính hàng ngày nên kê màn hình máy tính ngang tầm mắt.
Đi ngủ sớm và dậy sớm vận động các môn thể thao yêu thích, tập yoga, thiền, luyện thở hoặc chạy bộ, đi bộ nhanh giúp cung cấp oxy và massage cho cơ khớp dẻo dai. "Khi có triệu chứng đau nửa đầu vai gáy, người bệnh nên đến đi khám sớm ở khoa Nội thần kinh, không nên chủ quan khiến bệnh trở thành mạn tính, điều trị khó và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe", bác sĩ Bảo Đính nói thêm.
VNE