kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Dấu hiệu nhận biết các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu nhận biết các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ

Cúm, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi... là những bệnh lý mà trẻ nhỏ dễ mắc phải vào thời điểm giao mùa.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh lý hô hấp, trong đó chủ yếu là viêm phổi. Trung bình mỗi trẻ sẽ mắc các bệnh lý hô hấp từ 4-6 lần một năm.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, hệ hô hấp ở trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, đường thở ngắn, việc hít thở nhiều lần trong một phút sẽ tạo điều kiện cho virus gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Bên cạnh đó, sức đề kháng ở trẻ còn yếu nên rất dễ bị các tác nhân lạ tấn công gây bệnh.

Triệu chứng chung của các bệnh lý đường hô hấp là ho, khó thở, khạc đờm, đau ngực... Tuy nhiên, tùy từng bệnh lý, từng mức độ bệnh mà mỗi trẻ có những biểu hiện khác nhau.

Dấu hiệu nhận biết các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ
Hệ hô hấp ở trẻ chưa phát triển toàn diện nên dễ bị các tác nhân lạ tấn công gây bệnh. Ảnh: Shutterstock.

Cúm

Cúm là bệnh lý do virus gây ra, trẻ thường có triệu chứng sốt cao kéo dài khoảng 5-7 ngày, kèm theo đau cơ, mệt mỏi, ho và sổ mũi. Bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi và các hội chứng nhiễm khuẩn thứ phát, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong. Thông thường, trẻ em bị cúm sẽ sốt cao hơn, các triệu chứng đường tiêu hóa cũng nặng hơn người lớn.

Theo bác sĩ Hương, hiện nay chưa có loại thuốc nào có thể chữa dứt điểm bệnh cúm. Tuy nhiên, đã có vaccine giúp phòng ngừa một số chủng cúm phổ biến và giảm các triệu chứng nếu trẻ mắc bệnh. Bố mẹ có thể đưa trẻ đi tiêm phòng ngay khi trẻ trên 6 tháng tuổi. Thông thường, vaccine sẽ có hiệu lực sau hai tuần tính từ thời điểm tiêm. Ngoài ra, bố mẹ cần đưa trẻ tiêm nhắc mỗi năm để phòng ngừa các chủng gây bệnh mới trong mùa cúm kế tiếp.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên còn được gọi là bệnh cảm lạnh thông thường, do virus gây ra. Đây là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, hầu hết trẻ sẽ bị cảm lạnh khoảng 6-8 lần một năm với các triệu chứng thường gặp là đau họng, sổ mũi, ho, hắt hơi, nhức đầu, đau nhức cơ thể... Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ít nghiêm trọng hơn cúm và nguy cơ dẫn đến viêm phổi thứ phát thấp hơn.

Hầu hết trường hợp trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên không nghiêm trọng, trẻ sẽ tự khỏi sau vài ngày. Bố mẹ có thể cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước để nhanh khỏe hơn. Bên cạnh đó, không sử dụng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Hen suyễn

Hen suyễn là bệnh lý ở phổi có nguy cơ tiến triển nặng nếu bố mẹ chủ quan, không điều trị cho trẻ từ sớm. Trẻ bị hen suyễn sẽ gặp các triệu chứng gồm ho, tức ngực, nặng ngực, thở gấp, thở khò khè, thở rít hoặc khó thở... Khi hít phải bụi, phấn hoa hoặc các chất gây dị ứng, trẻ có thể lên cơn hen suyễn.

Trẻ em bị hen suyễn có nhiều nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản và viêm phổi. Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, hen suyễn đứng thứ 3 trong số những nguyên nhân khiến trẻ dưới 15 tuổi phải nhập viện điều trị. Do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác, điều trị đúng cách ngay khi có những dấu hiệu như ho nhiều, hụt hơi, thở rít, thở khò khè hoặc bị viêm phế quản.

Dấu hiệu nhận biết các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ
Trẻ bị hen suyễn có nguy cơ mắc viêm phế quản, viêm phổi nếu không được điều trị từ sớm. Ảnh: Thanh Thúy.

Viêm xoang

Viêm xoang còn được gọi là nhiễm trùng xoang, là bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ, xảy ra khi các mô nằm bên trong xoang bị sưng hoặc viêm gây tích tụ dịch trong túi khí sau mắt và mũi, dẫn đến nhiễm trùng. Bệnh lý này thường đi kèm với bệnh cúm, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc do dị ứng.

Trẻ bị viêm xoang có thể gặp các triệu chứng như đau, tức ở vùng mặt, đặc biệt là sau mắt và mũi; cảm thấy khó thở, hụt hơi; ho, sổ mũi, có dịch chảy ở mũi sau gây đau họng, hôi miệng và cảm giác buồn nôn... Các triệu chứng này ở trẻ kéo dài hơn ở người lớn. Bố mẹ có thể dùng bình rửa mũi để rửa xoang, kết hợp mua thuốc không kê đơn nhằm giảm viêm và các triệu chứng cho trẻ. Tuy nhiên, nếu bé bị viêm xoang kéo dài, cần phẫu thuật để làm sạch các khu vực bị tắc nghẽn. Do đó, bố mẹ cần thăm khám cho trẻ để bác sĩ có hướng điều trị tốt nhất.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là hiện tượng viêm các ống thở lớn trong phổi, thường do virus gây ra, phát triển sau khi trẻ bị cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Triệu chứng thường gặp của viêm phế quản là trẻ ho liên tục trong khoảng 3-4 tuần mặc dù cơ thể không còn virus gây bệnh. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp các triệu chứng khác như đau tức ngực, sổ mũi, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau họng, thở khò khè...

"Hầu hết bố mẹ thường nhầm lẫn viêm phế quản với hen suyễn vì các triệu chứng tương tự nhau, tuy nhiên mức độ nguy hiểm và cách điều trị cho mỗi bệnh là khác nhau. Do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám các triệu chứng, chẩn đoán đúng bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả", bác sĩ Quỳnh Hương nhấn mạnh.

Viêm thanh khí phế quản

Viêm thanh khí phế quản (Croup) là bệnh lý phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ từ 3 tháng đến 5 tuổi. Bệnh do virus gây ra, gây sưng thanh quản và khí quản khiến không khí không thể vào phổi trơn tru, dẫn đến tạo ra tiếng rít khi trẻ hít thở sâu. Giọng của trẻ mắc bệnh này sẽ khàn hơn bình thường.

Viêm thanh khí phế quản do virus gây ra nên bố mẹ có thể điều trị bằng cách cho bé nghỉ ngơi, truyền dịch, dùng các loại thuốc chống viêm không kê đơn, thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen. Bên cạnh đó, bố mẹ cần chú ý giữ sạch không khí trong nhà giúp trẻ dễ thở hơn vào ban đêm. Trong những trường hợp triệu chứng nặng hơn, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám để được tư vấn và hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.

Dấu hiệu nhận biết các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ
Trẻ em bị cúm sẽ sốt cao hơn và các triệu chứng đường tiêu hóa nặng hơn người lớn. Ảnh: Shutterstock.

Viêm họng do liên cầu khuẩn

Viêm họng do liên cầu khuẩn là bệnh lý hô hấp khá phổ biến ở trẻ em. Thống kê cho thấy, cứ 10 trẻ bị đau họng sẽ có 3 trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn, trong khi tỷ lệ này ở người lớn chiếm khoảng 1/10.

Viêm họng do liên cầu khuẩn cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt bởi bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như sốt thấp khớp gây ảnh hưởng đến tim, hệ thần kinh, khớp và da; bệnh thấp tim; bệnh thận. Do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn điều trị phù hợp.

Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xảy ra do virus hoặc vi khuẩn như phế cầu khuẩn mắc kẹt trong cơ quan này, sinh sôi nảy nở tạo thành ổ nhiễm trùng. Bệnh có thể xuất hiện khi trẻ đang trong một đợt cảm cúm hoặc ho. Lúc này, dịch nhầy tiết ra trong phổi sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng, tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn sinh sôi, dẫn đến túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm.

Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng, có thể gây tử vong cao cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi trẻ có các triệu chứng như ho từ vừa đến nặng, ho nặng tiếng, thở nhanh, thở gắng sức, đau tức ngực, nôn, buồn nôn, môi tím tái... bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

Suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp là tình trạng rối loạn chức năng hô hấp, không đảm bảo các chức năng trao đổi khí dẫn đến thiếu oxy, có thể kèm theo tăng CO2 trong máu. Nguyên nhân có thể xuất phát từ các bệnh lý đường thở, có tổn thương ở phổi hoặc bệnh lý ở não, thần kinh và cơ, đặc biệt bệnh dễ gặp ở trẻ sinh non.

Trẻ bị suy hô hấp cấp có những triệu chứng như khó thở, có tiếng thở rên, thở khò khè, thở chậm hoặc có lúc ngưng thở; nhịp tim nhanh; huyết áp tăng ở giai đoạn đầu rồi giảm dần; ngưng tim...

Theo bác sĩ Quỳnh Hương, việc điều trị suy hô hấp ở trẻ em cần tuân thủ đầy đủ các chỉ định: đảm bảo thông khí tốt nhằm đưa oxy và CO2 trong máu về mức ổn định một cách nhanh chóng; điều trị các nguyên nhân, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho trẻ; duy trì và tăng cường hoạt động của hệ thống vận chuyển oxy, sửa chữa và hàn gắn những tổn thương, phục hồi chức năng hệ hô hấp... Quá trình điều trị này cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa giỏi chuyên môn, do đó bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bất thường.

Dấu hiệu nhận biết các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ
Việc điều trị bệnh hô hấp ở trẻ cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn nhi khoa để đem lại kết quả tốt nhất. Ảnh: Thanh Thúy.

Phòng ngừa các bệnh lý hô hấp ở trẻ

Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Quỳnh Hương, để phòng ngừa các bệnh lý hô hấp và biến chứng nguy hiểm ở trẻ, cũng như tránh lây bệnh cho những trẻ khác trong trường hợp trẻ đã mắc bệnh, bố mẹ cần lưu ý thực hiện các biện phòng ngừa sau.

Rửa tay cho trẻ thường xuyên: Các bệnh lý hô hấp thường lây truyền từ trẻ này sang trẻ khác qua đường nước bọt, hoặc dịch tiết từ mũi khi trẻ có những tiếp xúc như nắm tay, chạm vào các bề mặt chung như tay nắm cửa, đồ chơi, mặt bàn ghế... Do đó, cần rửa tay cho trẻ ít nhất 20 giây một lần bằng nước ấm và xà phòng để tiêu diệt vi khuẩn, virus bám trên da.

Hướng dẫn trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi: Bệnh lý đường hô hấp có thể lây truyền qua đường ho và hắt hơi, do đó trẻ cần che miệng lại khi ho và hắt hơi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy, tránh dùng tay.

Không chạm vào mắt, mũi, miệng: Nhắc nhở trẻ hạn chế dùng tay chạm lên mắt, mũi, miệng vì đây là những điểm xâm nhập vào cơ thể gây bệnh chung của nhiều loại virus gây bệnh.

Không tiếp xúc với người bệnh: Trẻ cần tránh tiếp xúc với người bệnh, và ngược lại, trẻ cần tránh tiếp xúc với người khác khi đang bị bệnh. Do đó, bố mẹ hãy cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà.

Bố mẹ cũng cần lưu ý rằng, việc lạm dụng kháng sinh trong việc điều trị triệu chứng ho cho trẻ có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn. Tùy theo thể trạng, cơ địa mỗi trẻ, các triệu chứng bệnh cũng như tiền sử các bệnh lý khác ở gan, thận... mà bác sĩ sẽ có chỉ định loại thuốc với liều lượng phù hợp. Bác sĩ Quỳnh Hương cho biết, một số loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm quinolon có thể gây hủy hoại mô sụn, suy tủy, suy thận, điếc... Do đó, khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ dưới 18 tuổi. Bố mẹ cần tham khảo và tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy