Phụ huynh nên cho trẻ uống đủ nước, tránh sử dụng điều hòa thời gian dài, cho trẻ vận động, thư giãn, ăn ngủ nghỉ hợp lý.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Huy, Khoa Nhi Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội, trẻ em phải ở nhà nhiều cộng với thời tiết mùa hè oi bức nắng nóng, khiến các em có thể mệt mỏi về tinh thần và thể chất.
"Nắng gắt, đặc biệt các đợt nắng nóng cực điểm là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa như các bệnh truyền nhiễm, sốt virus, tiêu chảy cấp, rôm sảy ở trẻ em. Do đó bố mẹ cần chăm sóc trẻ kỹ hơn, cả về thể chất và tinh thần", bác sĩ Huy nói.
Bác sĩ Huy lưu ý cần cho trẻ uống nước đầy đủ tránh bị khô họng, nhất là khi ngồi lâu trong phòng có điều hòa. Có thể bổ sung nước bằng nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước uống đóng chai có nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, có thể bổ sung thêm lượng phù hợp các đồ uống giải nhiệt từ tự nhiên như nước dừa và nước chanh, rau má giúp giảm nhiệt độ của cơ thể; bổ sung các vi chất khác để tăng đề kháng trong thời tiết nắng nóng. Cho trẻ uống từ từ, nhiều lần trong ngày. Tránh cho trẻ uống các loại nước chứa nhiều đường như nước ngọt, kem.. sẽ khiến trẻ đi tiểu nhiều, tiêu lỏng, gây mất nước cơ thể.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng nước thiết yếu cho trẻ trong ngày vào khoảng 50-60 ml tính trên mỗi kg thể trọng. Bố mẹ cũng nên chú ý một số dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ cần bổ sung thêm nước như khát, miệng khô, môi khô, tiểu ít, nước tiểu sậm màu hơn bình thường.
Máy điều hòa không khí nên để ở nhiệt độ từ 25-28 độ C (đối với trẻ sơ sinh là 27-30 độ C); không nên sử dụng máy điều hòa trong thời gian quá dài, hoặc để nhiệt độ quá thấp và chênh lệch lớn với nhiệt độ bên ngoài. Cần vệ sinh phòng và máy điều hòa để giảm vi khuẩn, nấm mốc.
"Không cho trẻ chạy ra vào phòng liên tục vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cho trẻ dễ bị nhiễm bệnh. Không nên để quạt quá gần trẻ, với trẻ sơ sinh luôn để xa 2 m trở lên và bật số nhỏ nhất, không để quạt thẳng vào mặt trẻ", bác sĩ lưu ý. Bố mẹ lau mồ hôi thường xuyên cho trẻ, nếu quần áo trẻ đang mặc bị ướt mồ hôi thì cần thay ngay quần áo khô.
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho bé như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa. Mang khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường.
Khi chế biến thức ăn cần sử dụng nguồn nước sạch, cho trẻ ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ pha sữa hay chế biến thực phẩm cho trẻ.
Hàng ngày, cha mẹ cần tăng thêm lượng rau xanh vào chế độ ăn của trẻ vì rau xanh chứa một lượng nước lý tưởng giúp cơ thể giữ nước tự nhiên. Các loại rau như cải xanh, bắp cải, rau muống, mồng tơi, rau ngót... rất lý tưởng để giải nhiệt cơ thể.
Ngoài ra, việc sắp xếp một lịch sinh hoạt khoa học với các hoạt động học tập, ngoại khóa như vẽ tranh, đọc sách, trồng cây, nấu ăn... sẽ giúp bé thoải mái tinh thần và có cơ hội khám phá học hỏi. Buổi chiều mát, bố mẹ có thể cho bé đi dạo dưới sân nhà, vận động thể chất, tránh cho trẻ ra ngoài trong thời điểm nắng cao điểm 11h đến 3h chiều.
"Buổi tối nên tập cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc để trẻ luôn cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn vào sáng ngày hôm sau", bác sĩ khuyên.
VNE