Khi thời tiết lạnh về đêm, các thụ thể gây ho nằm ở họng, phế quản, thanh quản bị kích thích gây ho nhiều ở trẻ vào sáng sớm và tối muộn.
Nguyên nhân gây ho nhiều vào đêm
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ho là phản xạ của cơ thể nhằm bảo vệ và phòng thủ cần thiết để loại bỏ chất độc hại, nhiễm trùng... khỏi hệ hô hấp. Trong cơ thể, thụ thể ho chủ yếu tập trung ở họng, thanh quản, phế quản. Khi có tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm, thay đổi nhiệt độ hoặc khi đường hô hấp tiếp xúc với các chất hóa học, các thụ thể này rất dễ bị kích thích. Những kích thích này dẫn truyền, tác động đến trung tâm ho nằm trên não gây ra phản xạ ho ở trẻ.
Vào thời điểm cuối năm, thời tiết có sự thay đổi, trong đó đặc trưng vẫn là lạnh nhiều về ban đêm và sáng sớm. Khi thời tiết chuyển lạnh, các thụ thể dễ bị kích thích hơn gây ho nhiều ở trẻ vào thời điểm này. Trẻ có tiền sử mắc hen suyễn trời lạnh trẻ sẽ dễ ho hơn và ho nặng hơn. Ho lâu ngày, dai dẳng khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu.
"Khi thời tiết thay đổi, các bé cũng rất hay bị nghẹt mũi, nước mũi chảy xuống họng khi bé nằm cũng là nguyên nhân khiến bé dễ ho nhiều về đêm. Các bé có cơ địa dị ứng, nhạy cảm thường là đối tượng ho thường xuyên khi về đêm", bác sĩ Thoa giải thích.
Bác sĩ lưu ý phụ huynh theo dõi cơn ho của trẻ. Cơn ho do kích ứng và thay đổi thời tiết thường kéo dài từ 2-3 ngày. Nếu cơn ho nhẹ, ho húng hắng vài tiếng, tần suất ho ít, không ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống và sinh hoạt của trẻ, gia đình có thể chăm sóc trẻ bằng cách dùng các biện pháp giảm ho an toàn, giảm ho tự nhiên như pha một muỗng cà phê mật ong với nước ấm cho trẻ uống trước khi đi ngủ (lưu ý chỉ dùng mật ong cho trẻ trên một tuổi)... và đặc biệt cần giữ ấm cho trẻ vào buổi tối.
Trong trường hợp cơn ho kéo dài, tăng nặng theo từng ngày hoặc ho gây cản trở sinh hoạt hàng ngày của trẻ, gia đình nên đưa trẻ đi khám để có chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
Chăm sóc hô hấp cho trẻ vào mùa lạnh
Theo bác sĩ Thoa, để giảm ho cho trẻ, điều cần làm đầu tiên là giữ ấm cho trẻ. Khi cho trẻ ra ngoài cần đội mũ giữ ấm tai, quấn khăn giữ ấm cổ, tránh thay đổi thời tiết đột ngột. Tốt nhất phụ huynh nên tránh cho trẻ ra ngoài khi trời quá lạnh, đặc biệt, cần hạn chế việc thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, như từ môi trường ấm nóng di chuyển qua môi trường quá lạnh để hạn chế các thụ thể ho bị kích thích.
Về đêm, bố mẹ cho trẻ uống mật ong pha nước ấm trước khi cho con đi ngủ, thoa dầu ấm vào lòng bàn chân, giữ ấm cho trẻ. "Để hạn chế trẻ ho ói vào đêm, bố mẹ nên cho trẻ ăn trước giờ đi ngủ 2 tiếng, không cho trẻ ăn quá no trước khi đi ngủ", bác sĩ Thoa khuyến cáo.
Trong trường hợp trẻ còn quá nhỏ, chưa thể tự hỉ mũi, bố mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý, dùng dụng cụ hút mũi hỗ trợ bé đẩy mũi ra để giúp đường thở thông thoáng. Lưu ý chỉ rửa mũi khi trẻ đói, tránh rửa sau khi trẻ ăn no.
Mặt khác, cần giữ vệ sinh nhà cửa: dọn dẹp nhà cửa, hút bụi sạch sẽ để giảm các tác nhân gây dị ứng. Cần chú ý hạn chế trẻ hít phải khói thuốc lá thụ động khi gia đình có người lớn hút thuốc để hạn chế kích ứng đường hô hấp.
VNE