Theo các chuyên gia, tình trạng rét đậm, rét hại diễn ra thường xuyên là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị bỏng lạnh.
Bỏng lạnh là các chấn thương trên da và các mô bị đóng băng do tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh. Những trường hợp nghiêm trọng còn có thể khiến dây thần kinh và mạch máu bị đông cứng.
Những người có nguy cơ bỏng lạnh cao thường hay bị tê cóng khi tiếp xúc với thời tiết lạnh cao hơn người bình thường.
Các triệu chứng nhận biết khi bị bỏng lạnh: da có cảm giác châm chích hoặc bị tê, da bị đổi màu, các màu như đỏ, trắng, xám hoặc da bị vàng, có mụn nước trên da, đau các khớp xương và xuất hiện dấu hiệu đau xung quanh khu vực tiếp xúc...
Đối với người bị bỏng lạnh, kịp thời phát hiện và cần được sơ cứu ngay lập tức như sau: nhanh chóng tìm nơi trú ẩn để tránh khỏi bị giá lạnh; làm ấm cơ thể, tránh các nguồn điện như đèn, lửa hoặc miếng sưởi vì chúng có thể khiến bỏng da lạnh cóng; uống nước hoặc đồ uống ấm; sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo để đề phòng bị bỏng lạnh, người dân chú ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết rét đậm, rét hại; bổ sung đủ nước và dinh dưỡng cho cơ thể; không nên ở ngoài trời quá lâu khi đang có rét đậm, rét hại, ngoài trời nhiệt độ hạ thấp.
Tránh ra ngoài khi nhiệt độ dưới 0 độ C. Nếu bắt buộc hoặc cần ra ngoài nên mặc nhiều quần áo, đảm bảo không có vùng da nào bị lộ ra ngoài, lựa chọn trang phục rộng rãi, không thấm nước...
TT