Các chuyên gia khuyên thông khí nhà cửa bằng cách mở các cửa, bật thông khí nhà vệ sinh hay máy hút mùi nhà bếp; không sử dụng điều hòa khi trong phòng có nhiều hơn một người.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, thuộc Trường Đại học Sydney, cho biết: Trong môi trường kín, nếu có người mang mầm bệnh thì virus lây nhanh và mạnh hơn vì nồng độ virus lúc này cao hơn ngoài trời. Ngoài ra, thời gian tiếp xúc càng lâu, khoảng cách gần, mức độ lưu thông khí kém, thì nguy cơ lây nhiễm càng tăng.
"Do đó, thông khí là một giải pháp hiệu quả giúp giảm lây nhiễm nCoV, hiện nay phần lớn ca nhiễm xuất hiện trong hộ gia đình, các khu vực kín như xưởng sản xuất, khu công nghiệp, văn phòng...", tiến sĩ Anh chia sẻ.
Theo bà Thu Anh, biện pháp thông khí cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng đưa vào quy định mới trong xây dựng nhà ở, tòa văn phòng, bệnh viện, nhà máy...
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, cho biết trong dịch SARS năm 2003, hầu hết nhân viên y tế Việt Nam bị lây nhiễm virus do môi trường phòng bệnh thông khí kém. nCoV cũng có cơ chế lây nhiễm tương tự như vậy, đặc biệt biến chủng Ấn Độ có khả năng lây lan nhanh trong không khí. Do đó, các biện pháp lưu thông khí rất quan trọng và là chiến lược ngăn chặn nCoV lâu dài. Thông khí không chỉ giúp môi trường lành mạnh mà còn phòng ngừa Covid-19.
Theo tiến sĩ Thu Anh, nhà cửa hay các khu vực kín cần mở cửa ra vào, các cửa sổ, cửa trời để có thông khí/gió tự nhiên. Bật quạt để đẩy không khí trong phòng ra ngoài, không để luồng gió đi từ người này qua người khác hoặc đặt quạt hút gió công suất cao tại cửa sổ, trần nhà. Quạt hút gió có tác dụng hút gió (hút và lưu thông không khí từ bên ngoài vào) và hút khí (hút mùi hoặc không khí trong nhà ra ngoài).
Thường xuyên bật quạt hút mùi trong nhà vệ sinh với tốc độ cao nhất. Sử dụng máy hút mùi trong khu bếp khi có người sử dụng khu vực này. Có thể sử dụng hệ thống lọc không khí di động có màng lọc HEPA (một bộ lọc giúp giữ lại các loại hạt nhỏ như hạt bụi, phấn hoa, vi khuẩn), để tăng cường làm sạch không khí, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ cao. Lắp đặt hệ thống hút gió trên trần nhà.
Văn phòng hay khu vực thông gió, thoáng khí kém có thể sử dụng thêm hệ thống chiếu tia cực tím (UVGI) để diệt khuẩn. Lắp đặt bộ lọc khí trung tâm và đặt chế độ lọc cao nhất có thể. Đảm bảo bộ lọc không khí có kích thước phù hợp và sử dụng trong thời gian được khuyến nghị.
Khởi động hệ thống tăng thông khí hai tiếng trước và sau khi có người sử dụng.
"Không sử dụng điều hòa khi có nhiều hơn một người trong một phòng. Tuyệt đối không bật quạt trần khiến cho gió bị quẩn trong phòng", tiến sĩ Thu Anh lưu ý.
Bác sĩ Hà nhấn mạnh việc thông gió trên phương tiện giao thông như taxi, xe buýt cũng rất quan trọng. Nếu xe không thể mở toang cửa, có thể mở hé cửa hoặc dùng quạt thông gió.
VNE