Tránh các thực phẩm kích thích, áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, uống đủ nước, ăn thức ăn nhạt giúp quản lý triệu chứng dạ dày nhạy cảm.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy khó chịu sau bữa ăn có thể là triệu chứng của dạ dày nhạy cảm. Dạ dày nhạy cảm còn gây ra các triệu chứng như khó chịu, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn. Dưới đây là 4 biện pháp tự nhiên giúp giảm bớt các triệu chứng này theo Very Well Health (Mỹ).
Loại bỏ thực phẩm kích thích: Bạn nên tập thói quen ghi lại nhật ký thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày. Nếu sau khi ăn, bạn bị khó chịu, nhật ký thực phẩm có thể giúp bạn khoanh vùng được loại gây kích ứng dạ dày. Sau khi biết chính xác, bạn loại nó ra khỏi chế độ ăn uống hằng ngày, tránh các yếu tố kích thích lên dạ dày.
Một số thực phẩm kích thích dạ dày phổ biến gồm thức ăn cay, sốt cà chua, trái cây họ cam quýt, sản phẩm từ bơ sữa, đồ chiên, thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm chế biến, gluten (lúa mì, lúa mạch đen hoặc lúa mạch), chất làm ngọt nhân tạo...
Căng thẳng cũng có thể gây ra các triệu chứng dạ dày nhạy cảm. Bạn nên xem xét thật kỹ trước khi xác định chính xác loại thực phẩm kích thích, tránh khoanh vùng nhầm thực phẩm có lợi.
Áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng: Chế độ ăn uống cân bằng, có lợi cho dạ dày bao gồm trái cây tươi, rau quả, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ. Khi bổ sung chất xơ, bạn nên lưu ý không bổ sung ồ ạt vì nó dễ gây ra các triệu chứng của dạ dày nhạy cảm như đầy hơi, chướng bụng.
Uống đủ nước: Táo bón khiến bụng đau quặn, dạ dày khó chịu. Bạn có thể bổ sung đủ chất lỏng giúp giảm các triệu chứng táo bón, gián tiếp làm dịu dạ dày. Nếu bạn không thể uống nhiều nước cùng một lúc, có thể cân nhắc uống nước theo kiểu nhấm nháp từng chút một, nhiều lần trong ngày.
Hạn chế caffeine và rượu: Người sử dụng quá nhiều caffeine có thể bị khó chịu dạ dày. Cơn đau thường xảy ra ở dạng cơn co thắt cơ trong đường tiêu hóa hoặc đau nhói dạ dày, dẫn đến tiêu chảy và làm trầm trọng thêm các bệnh như hội chứng ruột kích thích, viêm ruột. Uống rượu quá mức cũng có thể gây kích ứng dạ dày, gây sưng, viêm niêm mạc dạ dày. Người có dấu hiệu dạ dày nhạy cảm không nên sử dụng rượu bia, caffeine dù là một lượng nhỏ.
Tăng cường các thực phẩm có lợi: Thức ăn nhạt như sữa chua, thực phẩm lên men, ngũ cốc, chuối, cơm, trái cây và rau nấu chín, trứng, thịt nạc, táo... là những thực phẩm giúp xoa dịu cơn đau dạ dày.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dạ dày nhạy cảm như không dung nạp thực phẩm, Hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày... Những người có dạ dày nhạy cảm thường thấy triệu chứng nặng hơn sau khi uống sữa, ăn thực phẩm chiên, thực phẩm chế biến quá kỹ hoặc cay nóng. Nếu triệu chứng của dạ dày nhạy cảm nặng lên sau 2 ngày, bạn nên liên hệ với bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.
VNE