Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chấp thuận đề nghị của nhà sản xuất vaccine Moderna, về việc người đã tiêm đủ 2 liều cơ bản vaccine này thì tiêm mũi thứ 3 bằng nửa liều (tức 0,25 ml thay vì 0,5 ml).
Chiều 21/1, bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết quyết định chấp thuận của Bộ Y tế dựa vào khuyến cáo từ nhà sản xuất và căn cứ kết luận Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng liều thứ 3 với vaccine này.
Bà Hồng giải thích thêm: "Người đã tiêm 2 mũi cơ bản vaccine Moderna thì mũi 3 sẽ tiêm nửa liều, còn người đã tiêm vaccine khác khi tiêm bổ sung bằng vaccine Moderna vẫn tiêm đủ liều".
Trước đó, chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharm (đơn vị nhập khẩu vaccine Moderna về Việt Nam) gửi công văn kèm tài liệu đến Cục Quản lý Dược, đề nghị tiêm liều thứ 3 của vaccine Moderna bằng nửa liều cơ bản.
Cụ thể, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, liệu trình cơ bản vaccine Moderna cho người từ 12 tuổi trở lên gồm 2 liều tổng cộng 100 mcg (mỗi liều 0,5 ml - còn gọi là mũi), trong đó liều thứ hai tiêm sau 28 ngày tiêm liều đầu tiên. Liều thứ 3 (liều tăng cường, còn gọi nhắc lại - booster) vaccine Moderna cho người từ 18 tuổi trở lên gồm một liều 0,25 ml (chứa 50 mcg mNRA), tức bằng một nửa liều cơ bản.
Tháng 10/2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sử dụng nửa liều vaccine Moderna trong liều tiêm tăng cường. Mũi 3 tiêm ít nhất 6 tháng sau liệu trình chính hai liều. Quyết định "nửa liều" đưa ra dựa trên nghiên cứu lâm sàng của Moderna. Hãng dược này không đưa ra con số tỷ lệ cụ thể về hiệu quả phòng bệnh với nửa liều mũi 3, song cho biết các tình nguyện viên tiêm nửa liều vaccine vẫn có mức kháng thể "tăng đáng kể".
Kèm theo quyết định chấp thuận, Cục Quản lý Dược yêu cầu Zuellig Pharm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, an toàn đối với vaccine Moderna lưu hành trên thị trường.
Đến nay, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi một vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi hai bằng vaccine đó. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể tiêm trộn mũi hai vaccine Moderna cho người đã tiêm mũi một bằng vaccine Pfizer hoặc Astrazeneca.
Việt Nam đã tiếp nhận hơn 209 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó có hơn 14 triệu liều vaccine Moderna đều từ nguồn viện trợ và tài trợ. Hiện đã tiêm gần 10 triệu liều vaccine Moderna, còn hơn 4 triệu liều đang chờ phân bổ.
Tính đến hết ngày 19/1, cả nước đã tiêm hơn 172 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 90,6% số vaccine được phân bổ. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 157 triệu. Hơn 6,6 triệu người đã được tiêm mũi bổ sung và 12,5 triệu người đã tiêm mũi nhắc lại.
Liều cơ bản là vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik..., mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy loại. Vaccine của Johnson & Johnson liệu trình chỉ một mũi duy nhất; còn vaccine của Cuba liệu trình 3 mũi tiêm.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, người tiêm vaccine của Sinopharm, Sputnik phải tiêm mũi bổ sung mới được xem đủ liều cơ bản.
Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày.
Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, tiêm ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Mới đây, Bộ Y tế thay đổi mẫu giấy xác nhận tiêm chủng, thể hiện 7 mũi tiêm thay vì hai mũi tiêm như trước đây. Trong đó, riêng liều tăng cường có đến 3 mũi tiêm, tuy nhiên hiện Bộ Y tế chỉ mới hướng dẫn tiêm một mũi liều tăng cường.
VNE