Nhót có vị chua, chát, tính bình, tác dụng ngừng hen suyễn, cầm tiêu chảy, tả lỵ, chữa chứng đau họng khó nuốt.
Nhót có tên khác là hồ đồi tử, cây lót (Trung Bộ), co lót (dân tộc Thái). Nhót thuộc nhóm cây bụi, độ dài có thể lên đến 7 m, thân và cành thường có gai nhỏ, cành dài và mềm, lá hình bầu dục, mọc so le, mặt trên màu xanh lục, có lấm tấm như hạt bụi, mặt dưới trắng bạc, bóng, có nhiều lông mịn. Quả nhót hình bầu dục, màu đỏ hồng, ngoài mặt phủ rất nhiều lông trắng hình sao, trong có một hạch cứng. Nhót được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc nước ta, lấy quả để ăn và nấu canh giấm.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết trong quả nhót có đến 92% là nước. Ngoài ra, quả cũng chứa một số thành phần hóa học khác như protid, acid hữu cơ, calcium, glucid, phosphor, sắt...
Một số bài thuốc từ quả nhót:
Trị ho: 10 quả nhót xanh, trần bì 10 g, quất 10 quả, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ sắc uống ngày một thang chia làm 3 lần.
Chữa hen suyễn: Lá nhót sao vàng tán mịn. Mỗi lần uống 4 g, ngày 2 lần sáng, tối, hòa với nước cơm nóng để uống. 15 ngày là một đợt, có thể phải uống nhiều đợt.
Trị tiêu chảy, tả lỵ: Lấy 5-7 quả nhót sắc uống, hoặc dùng 40 g rễ cây nhót sắc cùng 20 g rễ cây mơ, công dụng tương tự.
Khạc nhổ ra máu: Lá nhót khô 30 g sắc uống cùng 5 lá bồng bồng, bài này cũng chữa hen suyễn.
Đau họng, thổ huyết (ói ra máu): Rễ cây nhót 30 g sắc uống.
Chữa phong thấp, đau nhức khớp: Rễ cây nhót 120 g, hoàng tửu 60 g, chân giò lợn 50 g, đổ nước vào hầm. Ăn thịt uống nước. Có thể lấy rễ nhót ngâm rượu uống vào bữa cơm một chén con 20-25 ml.
Lưu ý, phụ nữ có thai không sử dụng lá và rễ nhót. Trẻ em cũng nên hạn chế ăn nhót. Quả có tính axit cao có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày và hệ thống tiêu hóa. Bệnh nhân đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng không nên ăn nhiều nhót.
Nhót là loại quả ăn vặt phổ biến và là một vị thuốc có nhiều ứng dụng trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, khi sử dụng, người dùng nên trao đổi với thầy thuốc để có liều dùng và hướng dẫn cụ thể.
VNE