Khi nghi bé mắc tay chân miệng, người nhà nên đưa đến bác sĩ khám để biết chắc tình trạng bệnh, theo dõi sát, tuân thủ hướng dẫn về chăm sóc và dinh dưỡng điều trị.
Bộ Y tế ghi nhận đến ngày 19/5 cả nước có 5.545 ca tay chân miệng, trong đó một ca tử vong tại Bình Thuận. So với cùng kỳ năm 2021, số ca tay chân miệng giảm hơn 83%, số ca tử vong giảm 9.
Tuy nhiên, cơ quan đầu ngành y tế cảnh báo bệnh tay chân miệng tăng nhanh tại miền Nam, đặc biệt ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng; xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới.
Bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), ngày 23/5 lưu ý cha mẹ ba vấn đề khi con mắc bệnh tay chân miệng.
Theo dõi sát dấu hiệu trẻ
Khi bệnh, trẻ thường mệt mỏi, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ. Mụn nước sẽ xuất hiện ở niêm mạc miệng, ví dụ trong má, lợi, mặt bên lưỡi, kích thước 2-3 mm. Các mụn này thường vỡ rất nhanh, tạo thành vết trợt, loét khiến trẻ bị đau rát, khó ăn uống. Ở bàn chân, mông, bàn tay cũng xuất hiện mụn, bọng nước, song không gây đau rát.
Ở thể nhẹ, bệnh gây tổn thương da, niêm mạc, sốt nhẹ, mệt mỏi. Ở thể nặng, tay chân miệng gây tổn thương thần kinh, trẻ li bì, giật mình, yếu liệt chi. Trẻ có thể bị tổn thương cơ quan hô hấp và tuần hoàn, khó thở, phù phổi cấp khi mắc bệnh ở thể rất nặng. Lúc này, trẻ cần được nhập viện, điều trị hồi sức nhi khoa. Do đó, khi bé có dấu hiệu mắc tay chân miệng, cha mẹ nên đưa đến bệnh viện để khám và điều trị đúng cách.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Các triệu chứng sẽ hết trong vòng một tuần đến 10 ngày. Trẻ bệnh nhẹ, bác sĩ có thể tư vấn điều trị tại nhà, vì vậy gia đình cần tuân thủ hướng dẫn để bé nhanh khỏi và phòng biến chứng.
Cách chăm sóc
Trẻ bệnh tay chân miệng nên được cách ly tại nhà, dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng nếu nhiệt độ cơ thể trên 38,5. Gia đình theo dõi sát trẻ, đưa đến bệnh viện gần nhất nếu có các biểu hiện như sốt cao trên 39 độ, không hạ sốt, li bì, giật mình, run tay chân, tím tái...
Cha mẹ vệ sinh da cho trẻ, đặc biệt các vùng có mụn nước, bôi thuốc vào vết loét trong miệng theo tư vấn của bác sĩ để tránh bội nhiễm
Người chăm sóc cần đảm bảo vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng sau khi thay tã, quần áo, tiếp xúc với phân, nước bọt của trẻ; rửa sạch đồ chơi, vật dụng; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn.
Thức ăn cho trẻ
Trẻ ăn theo chế độ chăm sóc nâng cao thể trạng, nguyên tắc là uống đủ nước và ăn đủ dinh dưỡng. Các vết mụn nước trong miệng sẽ khiến trẻ rất khó chịu, đau rát miệng, chán ăn. Khi đó, nên sử dụng thức ăn lỏng, ấm, chia thành nhiều bữa nhỏ, có thể xay nhỏ thức ăn, nấu thành cháo, súp để trẻ ăn dễ và dễ hấp thu.
Cho trẻ ăn thực phẩm giàu vitamin A, C như thịt, tôm, cá, trứng, sữa và các loại rau có màu xanh sẫm, củ quả màu vàng đỏ. Thực phẩm nhiều kẽm như thịt gà, lòng đỏ trứng cũng cần thiết do kẽm có tác dụng tăng đề kháng và giúp vết thương chóng lành.
Thực phẩm phải vệ sinh an toàn, nấu chín kỹ; nên ngâm, tráng nước sôi và rửa sạch vật dụng ăn uống của gia đình. Không mớm thức ăn hay cho trẻ ăn bốc, không dùng chung khăn ăn, cốc, bát, đĩa, dĩa, thìa... để tránh lây nhiễm.
VNE