Thận thực hiện nhiều chức năng khác nhau và nếu không để ý đến vấn đề sức khỏe thận có thể dẫn đến một số biến chứng không thể phục hồi.
Bệnh thận mãn tính thường gặp ở những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh về thận. Các yếu tố khác khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh bao gồm lớn tuổi, sinh con nhẹ cân, sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài, nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính, sỏi thận và thậm chí béo phì.
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng một lượng lớn dân số đang sống chung với bệnh thận nhưng không hề hay biết. Vậy làm thế nào để bạn có thể phát hiện ra liệu mình đang mắc phải bất kỳ vấn đề nào liên quan đến thận hay không? Sau đây là những dấu hiệu phổ biến nhất bạn cần lưu ý.
Các vấn đề về giấc ngủ
Ngủ không ngon giấc là một vấn đề thường gặp ở những người bị bệnh thận. Khi thận của bạn không lọc đúng cách, các chất độc có xu hướng lưu lại trong máu, thay vì ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, theo đó ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngưng thở khi ngủ cũng thường gặp ở những người bị bệnh thận mãn tính so với dân số chung.
Các vấn đề về da
Thận của bạn đóng nhiều vai trò quan trọng khác nhau. Nếu bạn đang đối mặt với các vấn đề về da, đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Da khô và ngứa có thể là dấu hiệu của bệnh về xương và khoáng chất, cũng có liên quan đến các bệnh thận cấp tính. Điều này xảy ra khi thận không thể cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu.
Mắt bị sưng
Các bệnh về thận có thể gây sưng quanh hốc mắt. Hiện tượng này có thể là do sự rò rỉ một lượng lớn protein trong nước tiểu từ thận thay vì giữ nó trong cơ thể. Tình trạng này có thể phát triển ở một hoặc cả hai mắt.
Chuột rút
Chuột rút là tình trạng phổ biến ở những người bị bệnh thận, do sự mất cân bằng của chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể. Chuột rút cũng do tổn thương dây thần kinh và các vấn đề về lưu lượng máu. Điều này có thể do chức năng thận bị suy giảm. Mức canxi và phốt pho thấp trong cơ thể cũng dẫn đến chuột rút.
Sưng tấy
Bạn có nhận thấy sưng ở bàn chân và mắt cá chân của mình không? Nếu có, đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Khi thận không thể loại bỏ chất lỏng dư thừa, nó sẽ dẫn đến sưng phù ở chân, mắt cá chân, bàn chân và thậm chí cả bàn tay trong một số trường hợp. Bạn nên giảm lượng muối và chất lỏng hàng ngày, bao gồm chất lỏng trong thực phẩm như xúp và sữa chua, để giúp giảm sưng.
Nhiều thay đổi về vấn đề đi tiểu
Thận tạo ra nước tiểu, vì vậy khi thận của bạn không hoạt động bình thường, nước tiểu có thể thay đổi. Thường xuyên đi tiểu có thể là dấu hiệu của các bệnh về thận. Nếu bạn đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm, đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Điều này xảy ra do các bộ lọc của thận có thể gặp vấn đề, làm tăng cảm giác muốn đi tiểu.
Chán ăn
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia, sự suy giảm của mức lọc cầu thận tiến triển ở bệnh nhân bệnh thận mãn tính có liên quan đến việc giảm lượng thức ăn đáng kể. Chán ăn và sụt cân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thận.
Mẹo đơn giản để duy trì sức khỏe thận
- Vận động cơ thể và tập thể dục hàng ngày.
- Tập yoga và thiền.
- Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng với ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, rau, đậu và các loại đậu.
- Nói không với đồ ăn vặt, nhiều gia vị và đồ ăn chế biến sẵn.
- Không uống quá nhiều nước vì nó có thể gây áp lực cho thận.
- Nói không với rượu bia và hút thuốc lá. Hút thuốc có thể phá hủy các mạch máu và giảm lưu lượng máu trong thận.
- Không dùng thực phẩm chức năng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ vì chúng có thể ảnh hưởng đến thận của bạn./.
VOV