Ngăn chặn hành vi bạo lực - Bắt đầu từ sự làm gương của người lớn

Mấy ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc trước hành vi bạo lực đối với trẻ em của ông Phạm Duy Đức, sinh năm 1978, thường trú tại phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Như tin báo chí đã đưa, chiều ngày 10/7, trong lúc chơi đùa ở trường, cậu bé N.G.K, học sinh lớp 1A3 Trường Tiểu học Hữu Nghị đã có mâu thuẫn với một bạn cùng lớp là con ông Đức, nên ông này đã tới trường đưa K. ra ngoài hành hung trước sự chứng kiến của nhiều người, khiến cậu bé phải nhập viện trong tình trạng chảy nhiều máu do tổn thương vùng mặt và tay. Sau khi nhận được tin báo, Công an thành phố Hòa Bình đã tạm giữ hình sự đối với ông Phạm Duy Đức để điều tra, làm rõ hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Ngăn chặn hành vi bạo lực  Bắt đầu từ sự làm gương của người lớn
Em K. bị phụ huynh của bạn cùng lớp đánh chảy nhiều máu. Nguồn: vietnamnet.vn

Căn cứ Điều 6, Chương I, Luật Trẻ em năm 2016 về những hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em và những quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 thì hành vi bạo lực của ông Phạm Duy Đức chắc chắn sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Vết thương trên thân thể của cậu bé K cũng sẽ dần dần được hồi phục theo thời gian, nhưng ai dám chắc rằng sức khỏe tâm thần của bé sau này sẽ không bị ảnh hưởng. Giải quyết mẫu thuẫn trẻ con bằng một hành vi bạo lực của người lớn là một biện pháp phản giáo dục, phi đạo đức và hơn hết là coi thường pháp luật.

Bấy lâu nay, báo chí, các ngành chức năng liên tục báo động về vấn nạn bạo lực học đường (BLHĐ) và sự xuống cấp về đạo đức học đường trong học sinh, sinh viên. Trong hàng loạt các nguyên nhân được đề cập, như: nhận thức lệch lạc, thiếu kiểm soát của học sinh khi tham gia vào mạng xã hội; sự kết nối giáo dục giữa nhà trường và gia đình chưa được tốt, thì một nguyên nhân được quan tâm hơn cả lại bắt đầu từ những hành vi bạo lực của người lớn trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Chính những hành vi đó đã khiến cho những đứa trẻ không biết tôn trọng, không biết bảo vệ cơ thể mình và người khác, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn. Thường thì những đứa trẻ là nạn nhân của BLHĐ sẽ luôn có cảm giác lo âu, sợ sệt, không muốn đi học. Từ cảm giác này sẽ dẫn đến trầm cảm hoặc sẽ hình thành những tính cách không tốt “muốn trả thù” trong tương lai. Còn những đứa trẻ có hành vi bạo hành bạn bè cũng sẽ rất nguy hiểm nếu gia đình, nhà trường không uốn nắn kịp thời. Tuy nhiên, quan niệm “yêu cho roi, cho vọt” trong cách dạy dỗ, giáo dục con trẻ dường như không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. 

Vụ việc xảy ra ở Trường Tiểu học Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình) vừa qua có rất nhiều điều đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Thứ nhất, hành vi bạo lực với một đứa trẻ không có khả năng tự vệ ấy đã diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng dường như sự can thiệp quá muộn màng khiến cho đứa trẻ bị tổn thương nặng về thể xác, lẫn tinh thần. Thứ hai, sự việc diễn ra ngay tại cổng trường, vậy vai trò, trách nhiệm của thầy cô giáo, của nhà trường ở đâu? Được biết trước đó cô giáo chủ nhiệm lớp em K. học đã được phản ánh về những mâu thuẫn của con trẻ nhưng không có biện pháp xử lý kịp thời. Một môi trường giáo dục không an toàn chính là mầm mống cho những hành vi bạo lực phát sinh. 

Vì vậy, để trả lại cho học sinh sự hồn nhiên, ngây thơ như những gì vốn có, trả lại sự an toàn cho trường học, hãy nói không với những hành vi bạo lực, bắt đầu từ sự làm gương của người lớn. 

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy