kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Với quan điểm: phát triển kinh tế phải gắn kết với bảo vệ môi trường (BVMT), nhiều nhóm giải pháp trọng tâm, trọng điểm về BVMT đã được tỉnh Hà Nam triển khai, thực hiện hiệu quả. Theo đó, công tác quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường; các vụ việc, thông tin tình trạng ô nhiễm môi trường được xử lý nhanh chóng và kịp thời, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Đặc biệt, một số vấn đề “nóng” về môi trường cũng đã được ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các địa phương giải quyết triệt để. Môi trường của tỉnh nhờ đó đã được cải thiện tích cực.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc (Sở TN&MT) tiến hành kiểm tra chất lượng nước mặt trên địa bàn.

Đồng bộ các giải pháp

Xác định công tác BVMT là một trong những điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thời gian qua, cùng với xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ngành TN&MT đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát, nắm bắt đầy đủ, kịp thời diễn biến những vấn đề môi trường và công tác BVMT của các đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; duy trì phương thức phối kết hợp giữa bộ, ngành trung ương và các địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết những cơ sở gây ô nhiễm môi trường, những vấn đề môi trường phát sinh.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, từ năm 2021 đến nay, thực hiện Chương trình 28, ngày 30/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chương trình xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ (gọi tắt là Chương trình 28), ngành TN&MT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng, triển khai thực hiện nhiều đề án, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, đáp ứng tiến độ đề ra.

Cùng với đó, ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa, hướng dẫn các địa phương áp dụng giải pháp tăng tỷ lệ thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp; chất thải nguy hại đã được quản lý tốt hơn. Song song với nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư mới, hằng năm, Sở TN&MT cũng thường xuyên đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện quy định pháp luật về BVMT. Phối hợp với UBND huyện Thanh Liêm đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn trồng bổ sung trên 84 ha cây xanh (UBND cấp xã trồng 2,34ha, các doanh nghiệp trồng 81,7ha); đôn đốc những doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại các xã Liên Sơn, Tân Sơn, Tượng Lĩnh (Kim Bảng) khẩn trương nâng công suất khai thác và chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2025 để phát triển du lịch, dịch vụ; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về BVMT...

Tạo bước chuyển tích cực

Tính đến hết tháng 11/2024, Chương trình 28 đã hoàn thành 10/14 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 (đạt 71%); nhiều mục tiêu còn lại đạt trên 90%; 8/8 khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và thực hiện thu gom, xử lý nước thải đạt cột A - QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn về nước thải công nghiệp) và đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải, truyền dữ liệu về Sở TN&MT.  Hiện, 7/7 cụm công nghiệp (CCN) đầu tư mới trên địa bàn đã có phương án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường, gồm các CCN: Yên Lệnh, Đồng Hóa, Trác Văn, Lê Hồ, Thi Sơn I, Châu Giang, Trung Lương mở rộng; 100% cơ sở công nghiệp nằm ngoài khu, CCN và cơ sở nằm trong CCN đã đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Tỷ lệ hộ dân thành thị dùng nước sạch đạt 96,6%.

Tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh theo tiêu chí mới đạt 100%. Tần suất các đợt ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ trong 3 năm gần đây đã có xu hướng giảm. Nếu như năm 2020 (thời điểm trước khi ban hành Chương trình 28) có 14 đợt ô nhiễm; năm 2021 giảm còn 10 đợt nước ô nhiễm; năm 2022 là 12 đợt; năm 2023 có 4 đợt và năm 2024 (tính đến tháng 12) có 4 đợt ô nhiễm. Nồng độ các chất ô nhiễm đã có xu hướng giảm. 100% các cơ sở phát sinh khí thải có công trình thu gom, xử lý; trong đó, 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Kết quả quan trắc bụi trong môi trường xung quanh năm 2022, 2023 và 9 tháng năm 2024, một số vị trí như: thị trấn Ba Sao, khu dân cư Trung Hiếu Thượng, khu vực xã Thanh Nghị (cảng Xuân Thành), khu vực cổng chùa Tam Chúc đều đạt giới hạn cho phép. Nồng độ bụi trung bình toàn khu vực phía Tây sông Đáy giảm khoảng 65% so với năm 2021...

Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện môi trường, theo ông Nguyễn Quang Nghiệp, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thời gian tới cả hệ thống chính trị cần tập trung tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT từ trong tư duy cho đến hành động. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo về công tác môi trường; tuyên truyền nâng cao ý thức về BVMT cho người dân; gắn giáo dục, động viên với thực hiện chế tài, xử lý vi phạm; thiết lập, triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác BVMT.

Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho BVMT thông qua tăng cường vai trò điều phối, phân bổ chi ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động nắm bắt, giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh; ứng phó, xử lý, khắc phục sự cố, vụ việc gây ô nhiễm môi trường. Phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng, quần chúng nhân dân từ hoạch định, giám sát thực thi chính sách pháp luật, huy động nguồn lực đầu tư cho BVMT Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số đối với lĩnh vực môi trường.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy