Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP Phủ Lý phát triển sôi động. Lợi dụng thị trường hàng hóa sôi động, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng diễn ra ngày càng phổ biến. Trước thực trạng này, các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với những mặt hàng được tiêu thụ với số lượng lớn như thực phẩm, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng thời trang, vật tư y tế…
Trao đổi về nội dung này, bà Trần Thị Yến, Trưởng phòng Kinh tế TP Phủ Lý cho biết: Hằng năm, Phòng Kinh tế thành phố đều tích cực phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiến hành rà soát, theo dõi diễn biến thị trường, tình hình giá cả, cung - cầu hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, như: bánh, kẹo, rượu, bia, lương thực, thực phẩm…
Mới đây, thành phố đã xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời điểm trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, tập trung trong tháng 1 và 2/2022, phòng Kinh tế thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Qua một số cuộc kiểm tra cho thấy, từ tháng 12, các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố đã nhập đầy đủ hàng hóa với giá bán ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đa dạng các tầng lớp nhân dân.
Theo thông tin từ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, phụ trách địa bàn trọng điểm về kinh doanh thương mại, dịch vụ là TP Phủ Lý, thực hiện sự chỉ đạo của Cục QLTT về triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán 2022, từ trung tuần tháng 12/2021, Đội QLTT số 3 đã huy động toàn bộ lực lượng tập trung làm việc, kể cả trong những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ.
Đội phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, tập trung kiểm tra các trung tâm thương mại, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất. Trong đó, chú trọng kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán để trục lợi, gây mất ổn định thị trường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân dịp Tết Nguyên đán, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Tính từ ngày 15/12/2021 đến 5/1/2022, Đội QLTT số 3 đã phát hiện, xử lý 86 vụ vi phạm với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 871 triệu đồng; thu phạt, nộp ngân sách nhà nước trên 186 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh mặt hàng thời trang, thực phẩm, giày dép không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không thực hiện niêm yết giá hàng hóa…
Việc sử dụng các website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để bán hàng ngày càng trở nên phổ biến, theo đó, hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn với hàng thật gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trước thực trạng này, thời gian qua, Đội QLTT số 3 đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó, tập trung tại khu vực trung tâm của thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, mỗi năm tổ chức cho hàng nghìn cơ sở kinh doanh ký cam kết về việc không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong các buổi tuyên truyền, Đội QLTT số 3 đều phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến về các hành vi vi phạm pháp luật, hình thức xử lý vi phạm cho chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn khách mua hàng dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc…
Qua trao đổi với ông Đào Anh Tuấn, Đội trưởng Đội QLTT số 3 được biết, trong những năm qua, Đội QLTT số 3 đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Riêng năm 2021, Đội đã kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng thuốc tân dược, khẩu trang y tế, hóa mỹ phẩm. Đội đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng mũ bảo hiểm, phân bón, lương thực, thực phẩm… Cụ thể, Đội đã tiến hành kiểm tra trên 500 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó phát hiện, xử lý 413 vụ vi phạm về lĩnh vực giá, nhãn hàng hóa, điều kiện đăng ký kinh doanh, phạt hành chính trên 1,1 tỷ đồng.
Dự báo, trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ vẫn diễn ra; đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Đội QLTT số 3 sẽ tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện niêm yết giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân để phòng, tránh, chủ động tố giác các hành vi kinh doanh trái pháp luật.
Nguyễn Oanh