Nhu cầu phát triển điện thoại trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng đặt ra yêu cầu xây dựng ngày càng nhiều các công trình viễn thông, nhất là trạm thu, phát sóng điện thoại di động (trạm BTS) nhằm bảo đảm chất lượng cuộc gọi và mở rộng vùng phủ sóng. Để hệ thống trạm BTS được phát triển phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, bảo đảm mỹ quan đô thị và các khu vực dân cư, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp viễn thông, internet đang hoạt động, gồm: VNPT Hà Nam, Viettel Hà Nam, Mobifone tỉnh Hà Nam, Vietnamobile, Công ty cổ phần Viễn thông FPT chi nhánh Hà Nam, Công ty Truyền hình cáp Saigontourist chi nhánh Hà Nam. Theo số liệu thống kê của các doanh nghiệp viễn thông, số lượng người dùng internet truy nhập bằng thiết bị di động (smartphone) hiện chiếm khoảng 70% dân số của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 860 vị trí trạm BTS; 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G.
Sự phát triển nhanh của mạng lưới viễn thông đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo quy định, doanh nghiệp muốn xây dựng, lắp đặt trạm BTS thì phải được Sở Thông tin và Truyền thông chấp thuận vị trí phù hợp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt trong từng giai đoạn và được UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ. Một trạm BTS trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn về phơi nhiễm sóng điện từ trường và cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Hiện nay, các doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS theo các hình thức, như: lắp đặt trên cột tự đứng độc lập; lắp đặt trên cột cao của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác như phát thanh, truyền hình hoặc lắp đặt trên nóc các công trình xây dựng có sẵn như nhà của người dân, trụ sở cơ quan… Sở Thông tin và Truyền thông quản lý chặt khâu cuối cùng. Doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS ở đâu, theo hình thức nào thì trước khi đưa trạm BTS vào khai thác, hoạt động phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định để bảo đảm an toàn cho người dân.
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong những năm gần đây, để bảo đảm chất lượng cho các thuê bao điện thoại ngày càng lớn, bên cạnh việc tập trung xây dựng trạm BTS tại các khu vực đông dân cư, các doanh nghiệp viễn thông đã quan tâm triển khai xây dựng ở những vùng sâu, vùng xa. Nhìn tổng thể, việc phát triển các trạm BTS trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng. Các doanh nghiệp xây dựng trạm BTS cơ bản bảo đảm các yếu tố về phù hợp quy hoạch, mỹ quan, hiệu quả của công trình.
Được biết, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các trạm BTS trên địa bàn, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành các văn bản chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS bảo đảm theo đúng quy hoạch của tỉnh; thực hiện nghiêm việc kiểm định trạm BTS trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng để người dân hiểu và nhận thức đúng về sóng điện từ của trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hằng năm, sở đều chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện kiểm định trạm BTS của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Kết quả thanh tra hằng năm cho thấy, các doanh nghiệp đã cơ bản thực hiện nghiêm túc việc kiểm định trạm BTS trước khi đưa vào hoạt động; các trạm đều bảo đảm bức xạ điện từ, bảo đảm về chống sét và an toàn theo quy định. Với các trạm được kiểm định, các doanh nghiệp đều đã niêm yết bản sao giấy chứng nhận kiểm định. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp niêm yết ở phía trong nhà trạm hay trên nóc nhà cao tầng nên người dân không nhìn thấy, chưa đúng so với quy định. Đoàn thanh tra của sở đều lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại việc niêm yết giấy chứng nhận kiểm định ra phía ngoài trạm, ở vị trí dễ nhìn theo quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT ngày 13/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trạm BTS, từ tháng 11/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai, áp dụng sáng kiến “Phần mềm quản lý trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng” (gọi tắt là phần mềm quản lý trạm BTS). Trước đây, công tác quản lý trạm BTS thông qua phần mềm Map Infor – phần mềm quản lý này chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn do không phản ánh đầy đủ thông tin về: Số lượng trạm BTS theo địa bàn huyện, thị xã, thành phố, số lượng trạm BTS phát triển mới trong năm, số lượng trạm BTS sử dụng chung hạ tầng, số lượng trạm BTS được kiểm định. Mỗi khi thẩm định vị trí, phòng chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông phải đến địa điểm để xác định tọa độ và mất nhiều thời gian yêu cầu doanh nghiệp báo cáo số liệu khiến hiệu quả quản lý chưa cao. Việc áp dụng sáng kiến phần mềm quản lý trạm BTS đã giúp Sở Thông tin và Truyền thông khắc phục được những hạn chế này. Nhờ đó, phòng chuyên môn của sở có thể tra cứu nhanh chóng, chính xác dữ liệu thông tin liên quan đến trạm BTS, dễ dàng nắm bắt hiện trạng để định hướng các doanh nghiệp dùng chung cơ sở hạ tầng, thuận tiện trong việc chấp thuận vị trí, đôn đốc, nhắc các doanh nghiệp thực hiện kiểm định lại khi giấy chứng nhận kiểm định sắp hết hạn; công tác thống kê, tổng hợp báo cáo thuận tiện, số liệu chính xác đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Bên cạnh đó, phần mềm này còn giúp doanh nghiệp viễn thông quản lý, theo dõi, lưu trữ hồ sơ một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí khảo sát trước khi lắp đặt, tiết kiệm chi phí xây dựng nếu dùng chung cơ sở hạ tầng…
Thực tế, việc triển khai lắp đặt trạm BTS hiện nay vẫn gặp khó khăn do nhận thức của người dân không đồng đều. Hiểu biết của người dân về ảnh hưởng của sóng điện từ chưa đầy đủ nên xảy ra tình trạng khiếu kiện, gây cản trở doanh nghiệp khi triển khai xây dựng trạm. Đây là thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp trong việc phát triển mạng lưới trạm BTS. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, cùng doanh nghiệp viễn thông tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, phát triển trạm BTS, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ sóng điện thoại di động của các trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và yêu cầu tất cả các trạm BTS đều phải thực hiện kiểm định, bảo đảm đầy đủ các yếu tố về độ an toàn mới được đi vào hoạt động.
Nguyễn Oanh