Sáng 18/4, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước; trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững ngành công thương tại các địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, quý I/2023, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu tăng nhanh, tổng cầu thế giới giảm mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Trong 63 địa phương trên cả nước, có 48 địa phương có IIP tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hoạt động thương mại – dịch vụ, xuất nhập khẩu, trong quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 17,4%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,4%.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng chỉ rõ, nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2023 bị sụt giảm là do: Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa được nới lỏng, kinh tế thế giới phục hồi chậm khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hoá giảm. Bên cạnh đó, sức mua trong nước vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất; các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn; lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao; các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, làm rõ hơn về kết quả đạt được trong lĩnh vực công thương của địa phương; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và có ý kiến kiến nghị, đề xuất với Bộ Công thương những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương để ngành công thương lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Trên cơ sở ý kiến phát biểu thảo luận, kiến nghị của các đại biểu cùng với dự báo tình hình chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, để đạt mục tiêu chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp cả năm 2023 tăng khoảng 8-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 6% so với năm 2022, Bộ Công thương đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm 2023: Bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, tổ chức làm việc với một số địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất; tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ trung ương đến địa phương để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trưởng; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước thông qua kết nối giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về thông tin, nhu cầu cũng như các quy định mới của thị trường; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam…
Nguyễn Oanh