Với việc giá thế giới vẫn đi lên, doanh nghiệp đầu mối dự báo, giá xăng trong nước ngày mai sẽ tăng tiếp nhưng không mạnh như kỳ điều hành trước.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tính đến ngày 2/11 của RON 92 là 100,66 USD một thùng, xăng RON 95 là 104,16 USD một thùng, tăng 3-4% so với kỳ trước. Giá dầu ít biến động hơn, quanh 95 USD một thùng.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP HCM, nếu nhà quản lý không trích Quỹ bình ổn, kỳ điều hành ngày mai, giá xăng có thể tăng 400-600 đồng một lít còn giá dầu có thể đứng yên. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần điều chỉnh tăng thứ năm liên tiếp trong vòng 2 tháng qua.
Còn nếu cơ quan quản lý trích và sử dụng Quỹ bình ổn theo tỷ lệ 50/50 (tức 50% sử dụng quỹ, 50% giảm), giá xăng sẽ điều chỉnh quanh 200-300 đồng một lít.
Ở một góc nhìn khác, một lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, 4 lần tăng liên tiếp trước đó đang tạo "cơn sốc" lên giá nhiều hàng hoá và hoạt động vận chuyển, điều này cũng khiến Chính phủ cân nhắc. Do đó, kỳ điều hành này ông kỳ vọng nhà điều hành có thể dùng các biện pháp mới để giữ nguyên giá xăng dầu.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu giữ bình ổn giá mặt hàng này, vừa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính được giao điều hành linh hoạt, tính toán mức trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn hợp lý để tạo dư địa cho điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán và tạo đà kiểm soát giá năm 2022.
Ngày 26/10, mỗi lít xăng tăng 1.430-1.460 đồng và dầu tăng 120-1.010 đồng. Ở kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành chi 1.100 đồng (nhiều hơn kỳ trước 150 đồng) từ Quỹ bình ổn để bù 400 đồng cho mỗi lít xăng E5 RON 92; RON 95. Dầu diesel và dầu hoả có mức chi quỹ lần lượt là 150 đồng và 100 đồng mỗi lít. Riêng dầu madut không chi quỹ, và mà trích quỹ bình ổn 100 đồng một kg.
Thi Hà