Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thông tin từ các ngành chức năng cho thấy, sức mua trên thị trường bán lẻ đang có xu hướng tăng cao trong những ngày gần đây và sẽ còn tiếp tục duy trì cho đến ngày cận Tết, nhất là với các mặt hàng phục vụ tiêu dùng dịp Tết như: xăng dầu, bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm chế biến sẵn… Theo hướng dẫn của ngành chức năng, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, bán lẻ hàng hóa trong tỉnh đã chuẩn bị tốt nguồn cung, tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 8/12/2022 của Bộ Công thương và thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Công thương Hà Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, sở đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị chuyên môn theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, chủ động rà soát, điều chỉnh phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa tăng cường khả năng cung ứng những mặt hàng thiết yếu bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Cùng với đó, Sở Công thương Hà Nam đã đôn đốc, hướng dẫn các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp phân phối có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh để cung ứng đủ phục vụ thị trường với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa dẫn đến tăng giá đột biến trong dịp Tết; khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị phân phối kết hợp triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, các khu, cụm công nghiệp nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp; đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự trữ đầy đủ, có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, Sở Công thương đã có văn bản cung cấp thông tin về các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Nam để doanh nghiệp có nhu cầu về nguồn vốn được tiếp cận với gói vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng.
Theo thông tin từ Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 110 chợ, 3 trung tâm thương mại, 6 siêu thị. Hạ tầng thương mại tại TP Phủ Lý và trung tâm các xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng đồng bộ với mạng lưới cửa hàng tiện ích, cửa hàng bán lẻ ngày càng nhiều, đặc biệt hệ thống phân phối xăng dầu ngày càng phát triển, bao gồm 168 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Qua theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường cho thấy, sức mua hàng hóa đã có sự tăng trưởng mạnh từ trung tuần tháng Chạp và dự báo sẽ “nóng” hơn trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên, tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ ổn định. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chủ động khai thác nguồn hàng, tổ chức tốt việc lưu thông, phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Điển hình như: Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam đã đăng ký 6.000 tấn gạo các loại để tham gia bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023; Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam đăng ký 3.000 tấn gạo; Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Hà Nam đăng ký dự trữ 1.050m3 xăng Ron 95-III và 3.050m3 dầu Diesel 0.05S-II; Chi nhánh Xăng dầu Hà Nam dự trữ trên 10.000m3 xăng và trên 15.100m3 dầu Diesel các loại. Ngoài ra, tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết, Công ty TNHH MTV Lan Chi cũng đã đăng ký dự trữ 2 tấn gạo, 40 tấn bánh, kẹo, mứt, 15.000 thùng các mặt hàng khô (mì, miến, phở…), 5.000 thùng sữa và gần 5.300 thùng nước đóng chai (rượu, bia, nước ngọt…); siêu thị VinMart Phủ Lý dự trữ 1.000 thùng mì ăn liền, 2.000 gói lương khô, 2 tấn gạo, 160 thùng nước đóng chai…
Đánh giá về tính chủ động của doanh nghiệp trong tham gia bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023, ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đã chủ động khai thác nguồn hàng, tổ chức tốt việc lưu thông và phân phối hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Để bảo đảm đủ lượng hàng bình ổn, các doanh nghiệp đã sớm làm việc và ký kết với đơn vị cung cấp thực hiện đưa hàng về dự trữ tại các kho tổng và cam kết bổ sung hàng hóa kịp thời khi sức mua tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối cũng đã triển khai nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.
Chẳng hạn như tại hệ thống siêu thị VinMart+ là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán hằng năm, với chủ đề “Sắm Tết sớm, ưu đãi lớn”, các mặt hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp Tết đã được tăng lượng dự trữ, bày bán với nhiều hình thức khuyến mại, trợ giá hấp dẫn cho khách hàng. Cụ thể, các mặt hàng thịt tươi sống giảm giá 19%; dầu ăn, mỳ chính, gạo, nước giải khát các loại giảm giá từ 15-17%; hộp bánh Tết giảm giá từ 20-30%; một số sản phẩm sữa tươi giảm giá xấp xỉ 20%; bia các loại giảm 5-7%; các loại hạt khô, thực phẩm chế biến sẵn giảm giá từ 10-25% tùy loại. Ngoài ra, một số sản phẩm, như giấy ăn, nước lau sàn nhà… đang được siêu thị áp dụng hình thức khuyến mại “mua 2 tặng 1” hay “mua 1 tặng 1”…
Ông Cao Minh Dương, Quản lý hệ thống siêu thị VinMart+ tại Hà Nam cho biết: Tham gia bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2023, hệ thống siêu thị VinMart+ trên địa bàn tỉnh đăng ký dự trữ gần 1.500 thùng thực phẩm ăn liền, gần 1.470 thùng nước đóng chai và trên 2,3 tạ gạo các loại. Để hỗ trợ người tiêu dùng và cũng là cơ hội để siêu thị kích cầu mua sắm trong dịp sức mua tăng mạnh nhất trong năm, hệ thống VinMart+ sẽ liên tục “chạy” chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn từ nay đến Tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhiều dịp Tết như giấy ăn, bánh kẹo, thực phẩm, bia, rượu, nước giải khát… với mức giảm giá từ 10 lên tới 50%.
Cùng với các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường, nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán còn đến từ các nguồn khác, như hệ thống các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ, nhà phân phối khác trên địa bàn tỉnh. Phục vụ thị trường Tết năm nay, hầu hết các đơn vị này đều tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu lên xấp xỉ 10% so với dịp Tết Nguyên đán 2022. Cùng với các địa phương trong tỉnh, trong thời gian tới, Sở Công thương Hà Nam sẽ tích cực tiến hành rà soát hàng hóa, tiếp tục thực hiện tốt công tác dữ trữ, tìm kiếm và bổ sung các nguồn cung để cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.
Vũ Hà