Kể về sự tích trồng đào, truyện dân gian cho rằng, ngày xưa ở vùng núi phía đông núi Sóc Sơn, có một cây đào mọc từ lâu đời. Cành lá đào to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng rộng. Trên cây đào có hai vị thần tiên trú ngụ. Các vị diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của hai vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Nhưng cứ đến cuối năm, hai vị thần tiên phải về chầu Ngọc Hoàng trên thiên đình, chúng lại trở lại quấy phá. Người dân bèn chặt những cành đào về bày trong nhà, chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.
Từ đó tục chơi hoa đào dịp Tết ra đời và lan khắp Bắc Việt. Ngày nay, cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến Xuân về nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ ngày xưa. Vẻ đẹp của hoa, mang ý nghĩa của sự may mắn, hạnh phúc, và sum vầy. Từ đó, nghề trồng đào đã xuất hiện ở nhiều nơi...
Ở Hà Nam có nhiều vùng trồng đào nhưng nổi tiếng trồng nhiều và đẹp là đào Ba Sao (Kim Bảng). Bởi nơi đây là vùng bán sơn địa, khí hậu phù hợp với cây đào nên đào Ba Sao luôn có màu sắc tươi tắn, hoa đều và thắm màu. Như ở nhiều vùng trồng đào khác, đào ở Ba Sao có 3 loại chính là đào cổ, đào thế và đào cành.
Nói chuyện về cây đào ở Ba Sao, ông Trần Quế Chi, một người dân gốc Ba Sao cho biết, thời kỳ Pháp thuộc, vùng đất Ba Sao này vốn được người Pháp khai thác để trồng cà phê. Đến thời kỳ có Nông trường Ba Sao, nơi đây trở thành vùng đất trồng dâu nuôi tằm kéo tơ. Khi mô hình nông trường không còn phù hợp và giải thể, nơi đây người dân canh tác trồng chè, mía, ngô, sắn. Khoảng hơn 20 năm trở về đây, Ba Sao trở nên nổi tiếng với na dai, đào cảnh, bưởi và cam đường.
Những ngày tháng 11 âm lịch này, người dân Ba Sao đang tất bật vào mùa tuốt lá đào giúp cây ra hoa đúng dịp cuối năm phục vụ người dân có đào đẹp trưng Tết Nguyên đán. Bên vườn đào rộng mênh mông kéo dài tới tận chân núi, ông Hoàng Văn Thủy, một trong những người trồng đào nhiều nhất Ba Sao chia sẻ: Đào thuộc loại cây rụng lá hằng năm về mùa đông. Sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển và lớn nhanh. Nếu cứ để tự nhiên thì cây đào sẽ rụng lá vào cuối tháng Chạp và hoa nở vào cuối tháng Giêng hoặc tháng hai năm tới nên muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, người trồng phải thực hiện kỹ thuật tuốt lá trước một thời gian để "hãm cây" giúp hoa nở đúng dịp Tết. Thời gian tuốt lá đào thường vào tháng 11 âm lịch. Nói là tuốt lá nhưng thực chất người trồng phải kỳ công, tỉ mỉ ngắt từng lá để không làm ảnh hưởng đến những mắt hoa ở cuối nách lá... Trong vườn đào của ông Hoàng Văn Thủy hiện có 2 loại là đào bích và đào phai, ông thường bán cây và bán cành cho người chơi hoa vào dịp Tết.
Ngoài hai dòng hoa trên, ở Ba Sao còn có sự tồn tại của đào cổ hay người dân thường gọi là đào ta. Đây là loại đào luôn được những người chơi sành tìm mua bằng được để thưởng Tết. Hoa đào cổ Ba Sao đã có từ rất lâu, cây mọc trong rừng, vùng đất xen núi đá hoặc trong vườn của nhiều gia đình. Hoa đào cổ có cánh đơn có màu phớt hồng, cây nở tự nhiên vừa có hoa, vừa có lá non nên mang một vẻ đẹp thuần khiết và tràn đầy sức sống. Cây có quả khi quả chín rụng xuống, cây mọc lên từ hạt.
Trước người dân nơi đây coi cây đào như một cây bình thường như mọi loại cây khác trong vườn nên không chăm sóc nhiều và cứ để cây mọc tự nhiên, mùa xuân nở hoa, đến tháng giêng, hai cây đậu quả. Quả đào ta khi chín có màu phớt hồng, ruột đỏ ăn khá ngọt và thơm. Đây là loại quả thu hút khá nhiều loài chim ăn trái, nên loài cây này trước đây ở Ba Sao có nhiều. Nhưng yếu điểm của cây đào cổ (đào ta) ở Ba Sao có hoa không bền như những loại hoa đào khác nên trồng chủ lực ở Ba Sao hiện vẫn là đào lai cánh kép. Tuy nhiên, với sức sống của đào rừng, người dân nơi đây thường lấy những gốc đào đẹp ghép với những cây đào lai, cũng cho hoa đẹp, thường được uốn tạo thành dòng đào thế và cũng khá được lòng nhiều khách hàng.
Thị trấn Ba Sao, những ngày cuối năm thường tấp nập người mua đào Tết. Những cành đào tươi thắm luôn mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp.
Chu Bình