kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
PGS, TS, họa sỹ Trần Huy Oánh: Ký họa chiến tranh - sử liệu chân thực bằng tranh

PGS, TS, họa sỹ Trần Huy Oánh: Ký họa chiến tranh - sử liệu chân thực bằng tranh

Tôi vinh dự được gặp gỡ, trò chuyện cùng ông trong những chuyến họa sỹ về Hà Nam thăm học trò và đồng nghiệp, hoặc theo lời mời của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam tham gia các trại sáng tác. Tôi được cùng ông đi đến những miền quê cổ kính, như Lạc Nhuế, Đồng Sơn ở Kim Bảng để vẽ và làm phim tài liệu chân dung ông. Khi ông tổ chức Triển lãm Ký họa thời chiến, trưng bày 85 bức họa được vẽ trong 7 năm trời hành quân khắp các nẻo đường chiến dịch chống Mỹ, cứu nước, ông nói với tôi về nghề nghiệp cũng như những tháng năm cùng học trò đi thực tế sáng tác ở chiến trường, rằng, ông không quên những kỷ niệm đẹp, những khoảnh khắc ngọn bút bị dồn nén cảm xúc tận đáy lòng rung lên trước vẻ đẹp thầm lặng của nhiều thế hệ người Việt giữa đôi bờ sinh – tử. Các bức ký họa ấy được xem như nguồn sử liệu quý giá bằng tranh.

PGS TS họa sỹ Trần Huy Oánh Ký họa chiến tranh  sử liệu chân thực bằng tranh
PGS, TS, họa sỹ Trần Huy Oánh trò chuyện với phóng viên Chu Uyên.

Phóng viên (P.V): Thưa PGS,TS, họa sỹ Trần Huy Oánh, tại Triển lãm “Ký họa thời chiến” của ông, một họa sỹ nổi tiếng đã thốt lên rằng “đó là những bức họa chân thực, sống động, đẹp và có nhiều ý nghĩa của một thời không thể nào quên!”. Sự thật là như vậy, bắt đầu là những bức ký họa ở Hàm Rồng, đúng không, thưa họa sỹ?

Họa sỹ Trần Huy Oánh: Từ năm 1965, chúng tôi đã cùng với học sinh, sinh viên đi vẽ ký họa dân quân, tự vệ của Khu 8, thành phố Nam Định và một số địa phương miền Bắc. Năm 1966, trường cử tôi và thầy Đỗ Hữu Huề dẫn học sinh (hệ 7 năm) đi thực tế ở Thanh Hóa. Chủ trương của trường lúc bấy giờ là đưa giảng viên, học sinh, sinh viên vào những vùng trọng điểm, khốc liệt nhất để trải nghiệm cuộc sống, ghi chép những sinh hoạt, lao động và chiến đấu của quân, dân, công nhân địa phương nơi mình đến. Tôi đã cùng với học sinh đến một đội thanh niên xung phong đóng quân ở một xã ven sông Mã thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi đã vẽ ở cầu Hàm Rồng. Việc sống và làm việc ở đây hết sức khó khăn bởi  lúc bấy giờ giặc Mỹ đang ra sức đánh phá cầu Hàm Rồng và cầu Đò Lèn, hòng ngăn chặn tuyến đường chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Các điểm vẽ ở Hàm Rồng thường nắng gay gắt, không một bóng cây. Khát nước, nước mang theo để uống cũng không đủ, phải múc nước sông uống. Sông Mã luôn đục màu vàng sậm vì phù sa, nên phải để một lúc cho cát lắng xuống mới chắt ra uống được. Trên đầu, máy bay Mỹ ập đến bất cứ lúc nào. Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng tất cả thầy trò đều chăm chỉ vẽ, ghi chép bằng chì, mực nho, thuốc nước và màu bột. Tuy nhiên, thời gian này, tôi vẽ không nhiều, dành thời gian chăm sóc các trò. Đến tháng 6 năm 1967, tôi được phân công hướng dẫn một lớp làm bài thi tốt nghiệp tại một địa phương ở Thanh Hóa. Sau đó, tôi vẫn quyết định xin ở lại cầu Hàm Rồng để vẽ. Tôi vẽ ở đây được một tháng, vật lộn với cuộc sống thời chiến quá khắc nghiệt. Từ ngày ấy tới nhiều năm sau tôi mới hoàn thành bức sơn mài mang tên cầu Hàm Rồng, được giải A tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976.

P.V: Rất nhiều bức tranh vẽ vội ở Trường Sơn, nhưng lại phác họa được chân dung cuộc sống ở chiến trường gian khổ mà hào hùng với những đường nét sống động, chân thực. Dù là rất vội, nhưng người xem cũng thấy ở các bức vẽ đó bật lên những rung cảm đặc biệt của người họa sỹ. Họa sỹ chắc không quên những khoảng khắc của những bức vẽ đó?

Họa sỹ Trần Huy Oánh: Tôi bắt đầu chuyến đi Trường Sơn thực sự từ tháng 10 năm 1972. Đoàn của chúng tôi bấy giờ có các sinh viên Nguyễn Văn Chư, Nguyễn Bá Tấn, Ca Lê Thắng. Hành trang mang theo chỉ gồm cặp vẽ, tăng, võng, màu, bút, mũ, bi đông, dao, quần áo, bít tất, thuốc men, thức ăn đi đường. Chúng tôi rời Hà Nội vào một buổi chiều thu đẹp đẽ. Vào đến Bộ Tư lệnh 559, tôi gặp anh Thao phụ trách báo, nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhiều anh em nghệ sỹ, chiến sỹ khác. Ở đây một tháng, chúng tôi vừa vẽ, vừa chờ các anh ở Bộ Tư lệnh bố trí phương tiện và hướng dẫn những điều cần thiết khi vào sâu hơn… Chúng tôi đã trải qua những đêm không ngủ hoặc những đêm ngủ không yên giấc ở rừng. Trên đường đi phải trải qua nhiều trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt, như: Đường 9 Nam Lào, cao nguyên Boloven, rồi Attapeu, qua sông Bạc, Siem-pạng, sông Se-bang-hiêng, sông Se-kong, Sê-san. Có những đợt cả tuần không tắm, không dám rửa mặt vì mùa khô suối cạn, nước chỉ dành cho nấu nướng và uống... Chúng tôi còn được ăn Tết ở chiến trường. Sau cái Tết năm 1973, tôi đến binh trạm 37, vẽ một đội điều trị ở ngầm Sê Sụ, đèo 32 và dốc 30. Nơi tôi vẽ là một vùng rừng mà cây cối bị cháy xém, trơ cành, đen thui, không lá, mặt đất cũng vàng xỉn một màu đen do giặc Mỹ rải chất độc hóa học… Sau đó tôi rời binh trạm về Kon Tum, vẽ ở Diên Bình, Đắc Tô, Tân Cảnh, bản Đắc Rao…

PGS TS họa sỹ Trần Huy Oánh Ký họa chiến tranh  sử liệu chân thực bằng tranh
Bức: Văn công Trường Sơn luyện tập đàn bên vách đá.

P.V: Tôi nghe nói, thời gian này ông có gặp Phạm Lê, một thầy giáo Toán ở Thanh Liêm, Hà Nam vào chiến trường ở binh trạm 14 và sau này trở thành một nhà thơ?

Họa sỹ Trần Huy Oánh: Đúng rồi! Khoảng đầu tháng 6 năm 1973, đoàn chúng tôi chuyển về binh trạm 14, được các đồng chí trong binh trạm đón tiếp vui vẻ, thân ái, rất gần gũi. Đồng chí Binh trạm trưởng, Binh trạm phó cùng các anh Ban Tuyên huấn, trong đó có nhà thơ trẻ Phạm Lê, nhiệt tình giúp đỡ đoàn chúng tôi, tạo điều kiện cho chúng tôi đến các trọng điểm để ghi lại hoạt động của bộ đội và thanh niên xung phong. Rồi chúng tôi chia nhau đi vẽ ở các khu vực trọng điểm, như đường 20, khu vực A.T.P (cua chữ A, Tale, Phulanhich). Đây là nút giao thông quan trọng, cả vùng rộng lớn có nhiều khúc cua gấp, nhiều ngầm, suối, nhiều vực sâu núi cao nên bị địch đánh phá thường xuyên, dữ dội hơn cả. Chúng tôi đã vẽ bộ đội mở đường trên núi cao, bộ đội mở đường kín dưới các tán cây cao, vẽ bộ đội nghỉ ngơi, sinh hoạt trong hang động, bộ đội sinh hoạt văn nghệ, vẽ các anh nuôi làm việc ở trong hang… Khi biết tôi là một trong hai tác giả vẽ bức tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, Binh trạm trưởng đề nghị tôi vẽ lại, phóng to phục vụ lễ mừng công của đơn vị. Bức tranh được vẽ trên vải bạt bằng chất liệu sơn tây, được treo giữa rừng già, trước lễ mừng công… Thời gian này, nhà thơ Phạm Lê cũng viết bài thơ nổi tiếng “Viết từ Tale”…

P.V: Họa sỹ còn nhớ, có lần ông nói, khi còn ở chiến trường, dưới mưa bom lửa đạn, trong mọi khó khăn thử thách tưởng chừng như khó có thể vượt qua được, ông đã nghĩ về chiến thắng, về sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam?

Họa sỹ Trần Huy Oánh: Có rất nhiều việc chúng tôi phải làm lúc đó, nhưng ngay khi ở chiến trường, tôi đã nghĩ rằng, chiến tranh nhất định phải kết thúc. Tôi đã dự cảm điều này nên khi gặp gỡ các anh em trong ấy, tôi đã nói điều đó, vừa là để động viên họ, vừa chắc chắn chiến tranh không thể kéo dài lâu hơn…

P.V: Vì sao ông nghĩ chiến tranh chắc chắn sẽ kết thúc và kết thúc sớm?

Họa sỹ Trần Huy Oánh: Tôi không nói là kết thúc sớm, mà tôi chỉ nói là chắc chắn sẽ kết thúc, vì hai lý do: Thứ nhất, những cuộc chiến tranh trên thế giới từ trước đến thời điểm đó, cuộc chiến nào cũng có giới hạn của nó, phải có một bên phải thua và cuộc chiến phải chấm dứt. Đó là quy luật. Thứ hai, mình đã chiến đấu 30 năm  rồi, những dữ kiện mà mình nắm được thì mình đoán trước là cuộc chiến không thể kéo dài mãi, nó sẽ thay đổi. Mình đã có dự cảm về ngày đó thông qua những cái đã thấy trong lịch sử, cũng như là thấy trong quá trình chiến đấu của dân tộc mình.

PGS, TS, họa sỹ Trần Huy Oánh, sinh năm 1937, tại thôn Bỉnh Trung, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật khóa 1958 -1963, ông ở lại trường làm giảng viên, sau đó đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông là lớp họa sỹ đi qua chiến tranh. Từ năm 1965 đến 1973, họa sỹ Trần Huy Oánh đã lăn lộn trên khắp nẻo đường chống Mỹ, từ hậu phương miền Bắc, tuyến lửa khu 4 – Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Trường Sơn đến Tây Nguyên... để vẽ về cuộc sống, chiến đấu, hy sinh của quân và dân các địa phương nơi ông đi qua.

P.V: Những gì họa sỹ nhìn thấy ở chiến trường thời điểm đó như thế nào? Nó đã tác động gì đến tư tưởng và cuộc sống, công việc của ông?

Họa sỹ Trần Huy Oánh: Có hai điều tôi không thể quên. Thứ nhất, cuộc sống vô cùng thiếu thốn, khổ cực ở chiến trường, trong đó, những nữ thanh niên xung phong là người khổ nhất. Thứ hai, tinh thần chiến đấu trong điều kiện ấy tuyệt vời lắm. Khổ như thế, khó khăn như thế, ác liệt như thế mà tất cả vui như Tết. Tôi thấy đó là điều kỳ lạ. Hai cái đó là hai cái tương phản mạnh mẽ nhất trong chiến trường. Tất nhiên, chiến tranh thì phải có bom đạn, có chết chóc, song chúng ta lại coi đó là chuyện bình thường giữa chiến trường, không thể khác được. Tôi lấy thí dụ về tư tưởng “đêm nằm năm ở”. Có nghĩa là, khi bộ đội đóng ở đâu không biết lâu hay dài, cứ biết là khi tạm dừng, đóng quân ở đâu thì chỗ đó là phải sạch, đẹp. Con người tự tạo cho mình cuộc sống như ý trong khó khăn, ở một ngày cũng phải giống như ở một năm vậy.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chu Uyên (thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy