UBND tỉnh đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh liên kết với doanh nghiệp

Sáng 15/3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch 1136/KH-UB về sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), đề xuất một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thực hiện kế hoạch 1136/KH-UB của UBND tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh đã xây dựng được 55 mô hình tập trung ruộng đất với diện tích 578 ha, đạt 58,7% kế hoạch.

Các mô hình được triển khai ở 46/105 xã, thị trấn với tổng số 1.885 hộ tham gia. Trong đó, sản xuất lúa 26 mô hình, ở 26 xã, diện tích 492,4 ha; sản xuất rau, củ, quả 29 mô hình, ở 27 xã diện tích 85,4 ha. Các mô hình đều có thời gian thuê đất từ 5 – 10 năm.

Về liên kết tiêu thụ sản phẩm, Công ty VinEco ký cam kết liên kết với 24/40 hộ khảo sát đủ điều kiện, có 5 hộ ký hợp đồng đưa được 71,3 tấn sản phẩm tiêu thụ tại hệ thống siêu thị VinMart, giá bán tăng từ 15 – 20% so với trước đây.

HTX rau hữu cơ Trác Văn, HTX nông sản Phù Vân, HTX Đức Huy … đã ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng tại Hà Nam, Hà Nội. Riêng công ty Giống cây trồng Trung ương liên kết sản xuất 73,4 ha giống lúa, lúa chất lượng tại huyện Bình Lục và Kim Bảng.

Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện KH 1136/KH- UB còn bộc lộ một số vướng mắc đó là: Thời gian thuê đất ngắn (từ 5 – 10 năm); các mô hình ký hợp đồng liên kết chủ yếu là những bếp ăn tập thể, trường học, siêu thị…không phải là doanh nghiệp CNC; số lượng các mô hình có quy mô từ 1 đến dưới 5 ha nhiều nhưng không được hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh, vì vậy chưa khuyến khích được các hộ dân; có 17/55 mô hình được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, chứng nhận VietGap, PGS, nhưng sản phẩm chưa có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; thời gian được hưởng cơ chế hỗ trợ ngắn (chỉ trong năm 2017) ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình ...

Để giải quyết những vướng mắc trên, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng CNC đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế hỗ trợ. Theo đó, tên kế hoạch đổi thành: Kế hoạch sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; thời gian thực hiện từ năm 2017 – 2020; thời gian ký hợp đồng tích tụ đất đai từ 5 năm trở lên…

Về cơ chế hỗ trợ sản xuất, đối với các mô hình trên 5 ha tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch 1136/KH-UB; hỗ trợ kinh phí làm nhà lưới, nhà kính trồng rau, củ, quả, hoa có diện tích từ 500 m2 trở lên theo mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/m2, tối đa 500 triệu/mô hình; hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa công nghệ tự động, bán tự động mức 20.000 đồng/m2, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ 50% kinh phí mua máy làm đất với các hộ có nhà kính, nhà lưới từ 500 m2 trở lên, không quá 10 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ toàn bộ kinh phí làm giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và VietGap cho sản phẩm nông sản của tỉnh.

Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu đều đồng tình với đề xuất điều chỉnh cơ chế hỗ trợ sản xuất, tập trung vào các nội dung: Nên tách biệt nhà kính và nhà lưới đơn giản trong thực hiện cơ chế hỗ trợ; có cơ chế thuê đất với loại đất UBND xã quản lý; đưa việc hỗ trợ tem truy suất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm vào cơ chế hỗ trợ trong kế hoạch của tỉnh ...

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Tuy đã đạt được kết quả bước đầu về mô hình, diện tích, có liên kết với các doanh nghiệp NNCNC song kế hoạch 1136/KH-UB chưa đạt mục tiêu đề ra.

Do vậy, tỉnh cần ban hành kế hoạch mới trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực, khắc phục điểm hạn chế của kế hoạc 1136. Trong đó, nhất trí với tên: Kế hoạch sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; thời gian thực hiện 2 năm (2018 – 2019). Thời gian tích tụ đất đai thực hiện các mô hình trong 10 năm.

Về cơ chế hỗ trợ sản xuất, mô hình dưới 5 ha mỗi huyện từ 3 – 5 mô hình ...  Dựa trên các ý kiến đóng góp, kết luận tại hội nghị, lấy thêm ý kiến của các địa phương, ngành chức năng Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC cần nhanh chóng chỉnh sửa, bổ sung phấn đấu ban hành kế hoạch mới ngay trong tháng 3/2018.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy