Phù Vân - thêm một mùa hoa Tết

Mùa hoa Tết là mùa hoa lớn nhất trong năm của người Phù Vân, thành phố Phủ Lý. Thêm một mùa hoa là thêm một mùa vất vả nhưng nhờ đó cuộc sống của người dân cũng thêm phần vững chãi, đủ đầy hơn.

Nông dân làng hoa Phù Vân bó hoa để đi bán.  Ảnh: Yên Chính

Thêm một mùa nhọc nhằn...

Cơn bão số 1 đã đi qua nhiều tháng nhưng vẫn để lại dấu tích trên những cánh đồng hoa ở Phù Vân, rõ nhất là trên các ruộng quất. Ruộng quất gần 2 mẫu của nhà anh Hậu, chị Chi, bên cạnh những cây quất trĩu quả đang bắt đầu chín là một số gốc quất quả còi cọc, lá úa vàng. Chị Chi cho biết, trận bão đã làm nghiêng, đổ nhiều cây, đặc biệt là những cây to, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ rễ. Sau bão mặc dù gia đình đã dựng cây, có chế độ chăm sóc đặc biệt nhưng chỉ những cây quất trẻ hồi phục được. Những cây quất thế đều là cây lâu năm, rễ cỗi nên gần như không thể phục hồi dù rất tốn kém và mất công chăm sóc. Cũng theo chị, năm nay ít mưa nên trồng hoa, cây cảnh khá vất vả vì phải tưới nhiều. Dù vậy cây vẫn không đẹp bằng khi có "nước trời".

Nghề trồng hoa, dù thời tiết thuận hòa cũng đã vô cùng vất vả. Làm đất, chiết, cắm cành để ươm cây con, chăm sóc cho cành ra rễ, rồi đánh cây con ra trồng trên ruộng, lại chăm sóc để cây bén rễ và phát triển. Riêng với cúc phải thắp điện ban đêm để tăng thời gian hấp thụ ánh sáng thì cây mới cao và mập mạp, nếu không cây sẽ ra hoa khi còn rất nhỏ. Chăm sóc cây hoa là cả một quá trình kiên nhẫn và tốn công. Nhổ cỏ, xới gốc, tưới phân, phun thuốc,... Hoa đặc biệt ưa những loại phân "nặng mùi" như phân bắc, phân động vật, đậu tương ngâm,... Để cây hoa phát triển tốt cũng cần rất nhiều loại thuốc, từ kích rễ, trị sâu bệnh, cho đến giữ quả,... Chỉ đứng ở ruộng hoa một lúc thôi người bình thường sẽ nhức đầu bởi mùi thuốc, mùi phân. Nhưng người làng hoa quanh năm suốt tháng phải sống trong "bầu không khí" không hề dễ chịu ấy.

Nhưng nếu thời tiết không thuận, sự vất vả ấy còn tăng gấp nhiều lần mà có khi vẫn trắng tay. Chị Hường - một người trồng hoa lâu năm cho biết mùa Tết năm ngoái khá nhiều bà con Phù Vân đầu tư trồng hoa ly. Thời tiết ấm, ly nở sớm, nhiều nhà mất đến vài chục triệu đồng. Riêng nhà chị lỗ hơn 10 triệu đồng, không kể công chăm sóc. Cũng có năm trời rét nhiều, Tết đến rồi mà ly vẫn ngậm nụ để rồi ra giêng mới nở tưng bừng, làm héo hon lòng người trồng vì mất không công và vốn. Có năm thời tiết thuận nhưng người làng hoa vẫn thất thu, vì hoa quá nhiều phải bán tống bán tháo giá rẻ, thậm chí bỏ mặc cho hoa nở tưng bừng ở ngoài đồng vì không có người mua.

Mùa hoa Tết là mùa hoa được mong chờ nhất trong năm của người làng hoa. Để chuẩn bị cho mùa hoa Tết Đinh Dậu năm nay, ngay từ tháng 5 âm lịch, các nhà vườn đã bắt đầu đảo gốc quất (đào cây lên để vài ngày rồi hạ xuống trồng lại). Từ lúc đó chăm bón phải thực sự chuẩn chỉ, căn thời gian để tỉa bớt hoa, quả non, bảo đảm đến Tết cây quất phần lớn là quả chín vàng nhưng vẫn có một ít quả non, một ít hoa và cành lộc. Cúc Tết được xuống giống vào nửa đầu tháng 9, tưới tắm và chăm bón hằng ngày, rồi che chắn trước những cơn gió mùa, thắp điện hằng đêm, tỉ mẩn vạch từng cành lá phát hiện sâu bệnh kịp thời và phun thuốc, mong có được những cành cúc mập mạp nhất đón Tết. Đào cũng được ngắt lá từ trước Tết khoảng 1 tháng, buộc cành, cuộn tán sẵn sàng. Mùa đông năm nay hanh khô kéo dài, người làng hoa "bù lại" bằng cách tưới nhiều hơn. Cúc đầu mùa bị bệnh "ngoẹo", nhưng khoảng một tháng nay cũng phát triển tốt. Người trồng cũng chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống hãm hoa (nếu trời quá ấm), và kích hoa (nếu trời rét đậm kéo dài). Đi qua bao mùa hoa là bấy nhiêu  mùa vất vả nhưng người làng hoa Phù Vân vẫn mải miết, cần cù... 

Đai lưới cho hoa cúc của người dân thôn 5, Phù Vân, TP. Phủ Lý. Ảnh: N. Điền

...và những mùa vui

Nhà chị Hường, anh Thướng có 8 sào hoa, chủ yếu trồng hồng và cúc. Gia đình anh chị trồng hoa từ hơn chục năm nay. Chị Hường cho biết tuy trồng hoa vất vả hơn cấy lúa nhưng cho thu nhập cao hơn. Trước kia vợ chồng chị rất vất vả nhưng kinh tế vẫn khó khăn. Nhờ trồng hoa, anh chị đã nuôi các con khôn lớn và ăn học đến nơi đến chốn. Một con của chị hiện làm bên ngành y ở Hà Nội, con thứ 2 làm kỹ thuật ở một công ty lớn trong tỉnh. Anh chị cũng đã làm được nhà cao tầng. Các anh  em nhà chị Hường cũng đều sống ở làng, đều gắn bó với nghề trồng hoa, kinh tế cũng vững vàng và có điều kiện nuôi dạy con học hành tử tế nhờ nghề trồng hoa. 

Chị Chi và chồng là anh Hậu năm nay 32, 33 tuổi, là thế hệ thứ 2 tiếp nối nghề trồng hoa. Đều sinh và lớn lên ở làng hoa, từ nhỏ anh chị đã làm cùng với bố mẹ nên nắm vững kỹ thuật. Yêu và lấy nhau, dù có nhiều cơ hội việc làm không phải "chân lấm tay bùn" nhưng cặp vợ chồng trẻ quyết định gắn bó với nghề trồng hoa của quê hương. Giờ họ có gần 2 mẫu hoa cây cảnh với khoảng 4 nghìn cây quất, đào, trị giá khu vườn ước tính 700-800 triệu đồng. Không chỉ còn là nghề "kiếm cơm" thay cho trồng lúa, nhiều gia đình, nhiều người trẻ ở Phù Vân đã biết phát triển nghề trồng hoa và giàu lên nhờ trồng hoa. Diện tích hoa ở Phù Vân ngày càng được mở rộng, nhiều gia đình trồng hơn, trong đó không ít nhà trồng quy mô lớn. Chủng loại hoa, cây cảnh phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, được một số thương lái ở tỉnh bạn về đặt hàng.

Đi trên những cánh đồng hoa ở Phù Vân thấy nhọc nhằn vẫn đong đầy trên từng luống hoa, trên mỗi gương mặt. Nhưng qua những câu chuyện thấy trong ánh mắt, trong suy nghĩ người làng hoa lấp lánh nhiều niềm vui, sự lạc quan. Nhiều người làng hoa cho biết họ đã quen với sự vất vả ấy và họ có động lực để vượt qua. Những người nhiều tuổi cho biết mong muốn của họ chỉ là nuôi dạy được con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng, các con chí thú làm ăn, vợ chồng già làm được mái nhà vững chãi để che mưa nắng. Nhưng những người trẻ thì khát khao vươn đến những chân trời xa hơn, đi nhiều làng hoa ở các tỉnh trong khu vực học hỏi thêm kinh nghiệm nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập, làm giàu từ nghề trồng hoa. Nghề trồng hoa luôn vất vả. Mỗi mùa hoa người làng hoa thêm một mùa vất vả nhưng mỗi mùa hoa họ càng thêm vững tâm và tin tưởng về một cuộc sống ngày càng đủ đầy, khấm khá hơn.      

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng, Nguyễn Điền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy