Phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển chăn nuôi năm 2018

Năm 2017, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi ước đạt trên 3.440 tỷ đồng, bằng 97,4% kế hoạch (KH) năm và 98,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là kết quả đã được cơ quan chuyên môn dự báo trước, bởi năm 2017 có nhiều nguyên nhân tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng chăn nuôi.

Nhiều chỉ tiêu phát triển chăn nuôi không đạt kế hoạch

Đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy, trong các chỉ tiêu phát triển chăn nuôi năm 2017, có nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm mạnh của đàn lợn. Tính đến cuối năm 2017, tổng đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn trên 455 nghìn con, giảm 40% so với thời kỳ cao điểm (750 ngàn con). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ đạt 83,1% KH, dẫn tới, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại cũng giảm theo, chỉ đạt trên 90 nghìn tấn, bằng 91,1% KH. Trong chăn nuôi, chỉ có đàn gia cầm (xấp xỉ 6,45 triệu con), đàn dê (trên 10 nghìn con) và đàn trâu phát triển ổn định.

Đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Quang Bích, xã Ngọc Lũ (Bình Lục). Ảnh: Mạnh Hùng

Điều đáng nói, đàn gia cầm lại không phải là con vật nuôi có thể tác động mạnh, giúp chăn nuôi hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Những năm gần đây, lợn vẫn là con vật nuôi chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chăn nuôi, có thời điểm lên tới 70%. Việc suy giảm tổng đàn lợn đã khiến cho chăn nuôi không đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2017. Tổng đàn lợn giảm là do giá thịt lợn hơi giảm sâu trong thời gian dài, từ quý III năm 2016 cho tới quý III năm 2017 giá lợn mới nhích dần lên. Hiện nay, giá lợn hơi trên thị trường còn thấp. Người chăn nuôi lợn thua lỗ, chưa muốn đầu tư tái đàn.

Không bị "bão" giá, chăn nuôi thủy sản bị ảnh hưởng lớn do mưa, lũ hồi tháng 10/2017. Diện tích chăn nuôi thủy sản bị ảnh hưởng lên tới 4.785,3 ha, trong đó, diện tích bị ngập chiếm 68%. Sản lượng thủy sản bị thất thoát khoảng 6.924,9 tấn.  Thủy sản giảm cả về diện tích nuôi trồng và sản lượng dẫn tới giá trị sản xuất giảm theo. Mặc dù, sau bão, lũ, nông dân nuôi trồng thủy sản đều tập trung khôi phục sản xuất, gia cố lại bờ vùng, ổn định tình hình chăn nuôi. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2017, tổng sản lượng thủy sản bằng 92,1% so với cùng kỳ 2016, chỉ đạt 21.117 tấn, đem lại giá trị sản xuất đạt 891,9 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành).

Thêm một năm, mục tiêu phát triển chăn nuôi bò sữa lỡ hẹn. Tổng đàn bò sữa (tính đến cuối năm 2017) có 3.000 con, tức là tăng 476 con so với năm 2016, nhưng so với kế hoạch thì chưa đạt.

UBND tỉnh vừa tổ chức họp đánh giá về tình hình phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) ở tỉnh ta trong năm 2017. Ý kiến tại cuộc họp cho thấy, có nhiều nguyên nhân tác động trực tiếp làm ảnh hưởng tới khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Trong đó, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, một trong những nguyên nhân chủ quan là do việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa tại nhiều địa phương chưa đồng bộ. Công tác chỉ đạo điều hành đôi lúc còn lơ là và chưa quyết liệt. Trình độ, tay nghề của cán bộ kỹ thuật và người chăn nuôi bò sữa còn hạn chế...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, chăn nuôi đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức và vẫn còn những dấu hiệu đáng phải quan tâm trong năm 2018.

Nhận diện khó khăn

Chăn nuôi lợn hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi nhanh. Giá lợn hơi vẫn ở mức thấp. Chăn nuôi bò sữa lại phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực của nông dân và doanh nghiệp. Các chương trình, đề án phát triển chăn nuôi đã có, song kết quả đạt được không đồng đều. Ngân sách đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi còn eo hẹp. Hơn thế, trong điều kiện hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào phát triển con vật nuôi chủ lực, khó có thể hoàn thành mục tiêu phát triển. 

Theo Sở NN&PTNT, năm 2018, ngành chăn nuôi phấn đấu đạt giá trị sản xuất 3.318,4 tỷ đồng (giá so sánh 2010). Để đạt được mục tiêu này, phải hoàn thành các mục tiêu phát triển về: Tăng tổng đàn gia cầm lên khoảng 6,7 triệu con, duy trì tổng đàn lợn ở mức 450 ngàn con, đạt sản lượng sữa bò tươi 12.000 tấn, tăng sản lượng thủy sản lên 24.200 tấn…

Đây là những mục tiêu không quá cao, nhưng lại không có nhiều cơ sở bảo đảm khả năng hoàn thành một cách chắc chắn. Ông Ngô Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên cho biết: Năm 2017, xã Mộc Bắc ghi nhận ổ dịch lở mồm long móng ở gia súc, nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn hết sức chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là với bò thịt và bò sữa. Phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm ở Duy Tiên còn nhiều khó khăn nên huyện đang tập trung vào phát triển lợi thế về chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, khó ở khâu quy hoạch. Việc mở rộng quy hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt và bò sữa ở Trác Văn, Yên Nam đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Để hoàn thành mục tiêu phát triển chăn nuôi năm 2018, những khó khăn cần phải được tháo gỡ. Đồng thời, phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và cần quan tâm đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho bò thịt.

Huyện Bình Lục là địa phương có tổng đàn lợn giảm mạnh trong năm 2017. Theo đó, nếu không phôi phục phát triển chăn nuôi lợn, nhiều khả năng, Bình Lục sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển. Ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục khẳng định: Chưa bao giờ, tổng đàn lợn ở Bình Lục giảm sâu như năm 2017. Tổng đàn lợn ở Bình Lục đến ngày 20/12/2017 chỉ còn khoảng 136 nghìn  con. Có những xã, tổng đàn lợn giảm đến 40% so với thời điểm phát triển cao nhất. Nhiều hộ chăn nuôi không quan tâm chăm sóc lợn ốm, gây khó cho công tác quản lý dịch bệnh. Đối với dự án bò thịt, cần nguồn vốn đầu tư lớn, nhưng lãi suất vay phục vụ chăn nuôi còn cao (có hộ vay lãi suất 9%/năm).

Công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC có lúc, có nơi chưa hiệu quả cũng là vấn đề đáng lo ngại đối với phát triển chăn nuôi năm 2018. Để hoàn thành mục tiêu phát triển chăn nuôi năm 2018, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC và các đề án phát triển chăn nuôi. Hướng tới phát triển chăn nuôi an toàn thực phẩm, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, gia cầm theo mô hình trang trại, gắn với các dự án chế biến sản phẩm.

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy