Cần bám sát các nội dung, rà soát lại quy hoạch về phát triển bò sữa

Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2016-2018 do UBND tỉnh tổ chức chiều 28/8.

Đồng chí Trương Minh Hiến đặt vấn đề, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã cố gắng thực hiện mục tiêu phát triển tổng đàn bò sữa nhưng vì sao chưa đạt mục tiêu về tăng tổng đàn bò sữa? Số bò sữa mua mới còn ít, phải chăng là do giá sữa bò tươi thấp, hay cơ chế chính sách khuyến khích chưa đủ hấp dẫn? Do đó, cần đánh giá cụ thể những mặt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn tới chưa đạt mục tiêu phát triển bò sữa để đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

 

Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Mạnh Hùng

Tính đến cuối tháng 8/2018, tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh đạt 3.139 con, trong đó, số bò sữa của các hộ dân có 2.925 con. Số bò mua mới chỉ có 60 con, luân chuyển trong tỉnh 114 con. Hiện, sản lượng sữa bò tươi đạt 19 tấn/ngày. Tổng sản lượng đạt 4.452 tấn, doanh thu gần 58 tỷ đồng. Như vậy, tổng đàn bò sữa đạt 52,3% KH và 15,7% theo đề án.

Theo Sở NN&PTNT, hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển chăn nuôi bò sữa, như: Chưa có sự đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án ở một số địa phương; công tác quản lý phát triển chăn nuôi bò sữa tại một số khu quy hoạch còn yếu và lỏng lẻo; xử lý môi trường trong chăn nuôi chưa hiệu quả; kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của các hộ chăn nuôi còn hạn chế…

Có cả nguyên nhân khách quan làm cho đề án phát triển bò sữa chưa đạt kế hoạch. Trong đó, đáng chú ý là công tác quy hoạch phát triển bò sữa ở các địa phương chưa sát với thực tế; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại 7 khu quy hoạch chậm tiến độ. Các nhà máy chế biến sữa trong nước đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm lượng sữa mua vào.

Lãnh đạo các địa phương cho rằng, còn một số nguyên nhân khác, như: Chất lượng đàn bò sữa chưa tốt nên phải loại thải dần; thiếu thức ăn thô xanh; giá sữa bò tươi thấp khó khuyến khích các hộ đầu tư phát triển quy mô tổng đàn; thiếu quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi bò sữa...

Chăn nuôi bò sữa hiện đang đạt rất thấp so với kế hoạch đề án của tỉnh.

Trong điều kiện thực tế hiện nay, Sở NN&PTNT cho rằng, khả năng phát triển bò sữa trong thời gian tới chủ yếu là tăng tự nhiên, số bò sữa mua mới ngoài tỉnh giảm dần. Đến năm 2019, tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 6.300 con, đến năm 2020 tăng lên 8.000 con.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Định hướng về phát triển đàn bò sữa là đúng, nhất trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tỉnh dành nguồn lực cho phát triển chăn nuôi bò sữa, cơ chế chính sách đã được tỉnh chăm lo. Các địa phương đã quan tâm khuyến khích nông dân đầu tư chăn nuôi bò sữa. Hướng tới, tiếp tục bám sát định hướng, mục tiêu của Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa.

Hạn chế, tồn tại nổi bật trong thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa là chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Hàng loạt khó khăn, vướng mắc chậm được giải quyết. Công tác tuyên truyền về phát triển bò sữa còn hạn chế. Phát triển quy mô tổng đàn đang có xu hướng chững lại, hầu hết các địa phương không hoàn thành kế hoạch.

Quan điểm là nắm chắc, siết chặt quản lý để có định hướng, giải pháp kịp thời. Tập trung tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi bò sữa tại xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm); tạo điều kiện cho đầu tư phát triển chế biến sữa bò tươi.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tại hội nghị, giao Sở NN&PTNT tham mưu cho tỉnh các giải pháp thực hiện để hoàn thành mục tiêu phát triển bò sữa năm 2018; chủ trì phối hợp với các địa phương đảm bảo yêu cầu về thú y, không để xảy ra dịch lớn trong chăn nuôi bò sữa; nắm chắc nguồn cung về giống bò sữa để giới thiệu cho các hộ chăn nuôi; đề xuất một mô hình quản lý bò sữa với quy mô từ 3000-5000 con. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành liên quan rà soát lại cơ chế hỗ trợ cho phát triển bò sữa, nếu bổ sung cơ chế mới thì theo hướng tác động trực tiếp cho nông dân, tạo bước đột phá về phát triển chăn nuôi bò sữa trong thời gian tới.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương phát triển bò sữa, bám sát các nội dung của đề án, rà soát lại quy hoạch về phát triển bò sữa, có biện pháp tăng quy mô hộ và tổng đàn bò sữa của các hộ chăn nuôi.

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy