Bảo vệ đê điều và các trọng điểm trong mùa mưa bão

Biến đổi khí hậu làm cho thiên tai ngày càng khốc liệt hơn. Bảo vệ an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với công tác phòng chống thiên tai năm 2018.

Mưa lũ lớn trong năm 2017 gây nhiều sự cố trên hệ thống thủy lợi và đê điều của tỉnh: Đê tả Đáy thuộc huyện Kim Bảng, Thanh Liêm bị sạt lở 125 m; một số đoạn đê bối tại xã Phù Vân, Đinh Xá (TP. Phủ Lý) bị vỡ; một số điểm trên tuyến đê Hoành Uyển, đê Bắc Châu Giang bị tràn… Đê, bối bị ngập, nước tràn vào khu dân cư, đồng ruộng gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Sau khi lũ rút, công tác khắc phục sự cố đã được tiến hành khẩn trương. Năm 2017, hơn 10 tỷ đồng được đầu tư để tu bổ, nâng cấp trên 2 tuyến đê sông lớn. Hệ thống đê sông con cũng được đắp áp trúc, tôn cao, xây tường chắn đất và sạt lở mái đê với trên 4.100 m3 đất, đá các loại. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, khi có lũ lớn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố trên cả tuyến đê sông lớn, sông con và bối, đặc biệt, tại những công trình thủy lợi đầu mối và cống dưới đê.  

Đoạn bối tả Đáy thuộc địa phận xã Phù Vân (TP. Phủ Lý) bị tràn hồi tháng 10/2017 đang được gia cố, nâng cấp bảo đảm chống lũ.

Trước những nguy cơ xảy ra sự cố trên các tuyến đê trong mùa mưa lũ năm 2018, tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị cần đặc biệt coi trọng việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi, đê điều, nhất là các đê sông con, đê bối sông Hồng, sông Đáy; kịp thời xử lý sự cố theo phương châm "4 tại chỗ", chuẩn bị đầy đủ vật tư tại các trọng điểm phòng chống lụt, bão được xác định. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban trong mùa mưa bão; hoàn thiện quy hoạch phòng, chống lũ cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh theo đúng tiến độ.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện trạng công trình đê điều ở tỉnh ta trước mùa mưa lũ năm 2018 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trên tuyến đê hữu Hồng, có hồ ao sâu nằm sát chân đê, chân cơ đê, ở cả phía thượng lưu và hạ lưu, với chiều dài 28,6 km. Hệ thống mỏ kè và kè lát mái đã có, nhưng chưa hoàn chỉnh. Số lượng mỏ kè còn ít, nhiều mỏ ngắn, khoảng cách xa dẫn tới hiện tượng xói lở, sụt lún đá ở mặt, mái và mũi mỏ. Trong số 12 cống dưới đê, có 1 cống cần làm mới và 2 cống cần sửa chữa.

Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình đê điều và thực tế xử lý sự cố đê điều trong các mùa mưa lũ, Sở NN&PTNT xác định 2 trọng điểm, vị trí xung yếu cấp tỉnh trên đê sông Hồng, bao gồm: cống Mộc Nam (Duy Tiên) và Cụm công trình đầu mối âu thuyền Tắc Giang (Lý Nhân và Duy Tiên); một số vị trí xung yếu trên tuyến đê hữu Hồng, thuộc địa bàn xã Nhân Thịnh, Nhân Đạo (Lý Nhân). Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, vị trí xung yếu trong các tình huống giả định (xuất hiện mạch đùn, mạch sủi...) ở cống Mộc Nam và trên cụm công trình đầu mối âu thuyền Tắc Giang.

Nhiều năm nay, các trọng điểm, xung yếu luôn được bảo vệ, bảo đảm an toàn theo năng lực thiết kế của công trình. Đây đều là những công trình đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho đê khi lũ sông Hồng lên cao. Trong khi đó, cống Mộc Nam được xây dựng từ lâu, công trình đã xuống cấp. Cụm âu thuyền Tắc Giang đã vận hành ổn định sau khi xử lý xong sự cố năm 2015, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được thử thách trong lũ lớn. Trước thực trạng đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương cần đặc biệt quan tâm đến phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí xung yếu trên đê hữu Hồng.

Trên tuyến đê tả Đáy, một số đoạn cơ đê nhỏ và thấp, hồ ao sát chân đê, có thể xảy ra sạt trượt. Các tuyến đê sông con đã được nâng cấp, tu bổ, góp phần bảo đảm an toàn cho phòng chống lụt, bão và giao thông nông thôn. Tuy nhiên, cũng như đê Tả Đáy, trên hệ thống đê sông con, nguy cơ xảy ra sự cố khi mưa to, lũ lớn vẫn còn ở mức cao.

Tích cực thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2018, thành phố Phủ Lý đã xây dựng phương án cụ thể bảo vệ hệ thống đê điều trên địa bàn như: Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, đê điều; chỉ đạo các xã, phường, đơn vị chuẩn bị tốt các phương án hộ đê và xử lý sự cố (giả định) có thể xảy ra trong mùa mưa bão. Hiện những vị trí sạt trượt trên đê đã được gia cố. Đoạn bối trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa phận xã Phù Vân đang được nâng cấp, tu bổ.

Huyện Duy Tiên có cả hệ thống sông lớn, sông con và đê bối. Trên các tuyến đê, nhiều vị trí xung yếu, trọng điểm đã được xác định. Thực hiện tốt mục tiêu phòng chống thiên tai năm 2018, UBND huyện Duy Tiên đặc biệt coi trọng công tác chuẩn bị phương châm "4 tại chỗ", nhất là ở những vị trí trọng điểm, xung yếu. UBND huyện có kế hoạch và giao chỉ tiêu nhân lực cho tất cả các xã, thị trấn, lập danh sách lực lượng xung kích hộ đê; giao chỉ tiêu vật tư dự trữ cho các xã, thị trấn bảo đảm kịp thời ứng phó xử lý sự cố ngay giờ đầu; giao Ban Chỉ huy Quân sự huyện lập danh sách đội dự bị động viên và tập huấn kỹ thuật cho lực lượng này.

Mùa mưa bão đã đến, bảo vệ an toàn các tuyến đê là nhiệm vụ đặc biệt  quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Thực tế cho thấy, chủ động phương án xử lý sự cố và tăng cường công tác phối hợp chính là giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. 

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy