Là địa phương có thế mạnh về chăn nuôi lợn nên trong những năm gần đây, người dân xã Bối Cầu (Bình Lục) gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi và sự biến động liên tục về giá lợn. Trước thực tế đó, xã Bối Cầu đã tăng cường triển khai các giải pháp để định hướng, hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng các loại vật nuôi, phát triển các ngành nghề phụ để bảo đảm việc làm, thu nhập.
Bối Cầu là một xã thuần nông, đời sống của nhiều người dân hiện nay vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trong những năm qua, xã Bối Cầu đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Cụ thể, xã thực hiện chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng màu (khoai lang, khoai tây, rau màu ngắn ngày…); duy trì sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa; phát triển mô hình lúa – cá; đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò, gia cầm; mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản… Theo thống kê, toàn xã hiện có gần 30 hộ dân phát triển chăn nuôi gia cầm với quy mô đàn từ 1.000 con trở lên; tổng đàn trâu, bò toàn xã đạt trên 300 con; đàn dê xấp xỉ 300 con; tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên 22 ha…
Trao đổi về nội dung này, ông Chu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Bối Cầu cho biết: Trên địa bàn xã có chợ đầu mối trung chuyển lợn hằng ngày với số lượng lớn nên hằng năm xã Bối Cầu đều xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức tốt các đợt tiêm phòng và phun tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh cho đàn nuôi. Theo đó, bệnh cúm gia cầm, lở mồm, long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò… được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên những năm qua, xã Bối Cầu vẫn giữ vững giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi (chiếm tỷ lệ trên 75% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã) với sản lượng thịt hơi các loại đạt hàng nghìn tấn mỗi năm.
Trong gieo cấy lúa, xã đã chỉ đạo các HTXDVNN, các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên, nông dân nhằm giảm ngày công, chí phí sản xuất. Hiện, 100% diện tích đất ruộng trong toàn xã được làm đất bằng máy, gần 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Diện tích cấy lúa hàng hóa được mở rộng lên 50% trong cơ cấu giống lúa mỗi vụ.
Song song với sản xuất nông nghiệp, xã Bối Cầu còn thúc đẩy phát triển đa dạng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại nhằm giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn. Xã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua đẩy mạnh công tác tín dụng, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trên địa bàn. Đến nay, riêng tổng dư nợ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt trên 70 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ dân đã đầu tư sản xuất, mở cửa hàng kinh doanh tạp hoá, bán hoa quả, kinh doanh vật liệu xây dựng, mở xưởng cơ khí, xưởng may công nghiệp... cho thu nhập ổn định. Cũng nhờ đó, mỗi năm, xã Bối Cầu có khoảng 200 lao động được giải quyết việc làm mới.
Theo thống kê, toàn xã hiện có gần 400 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Trong đó có trên 100 hộ kinh doanh các mặt hàng, như: vật liệu xây dựng, tạp hóa, dịch vụ nhà hàng, ăn uống; gần 20 hộ làm nghề xay sát; trên 20 hộ làm nghề mộc, cơ khí. Ngoài ra, xã còn có khoảng 200 lao động tham gia buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm; trên 700 lao động làm nghề xây dựng; trên 1.000 lao động làm công nhân trong các công ty, doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 52 triệu đồng (tăng 18 triệu đồng so với năm 2018); xã không còn hộ nghèo sau khi trừ đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo đánh giá của UBND xã Bối Cầu, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid -19, song tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn giữ vững ổn định và duy trì đà tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt so với mục tiêu kế hoạch đề ra.
Trong thời gian tới, xã Bối Cầu sẽ tiếp tục vận động các hộ dân nằm tiếp giáp các trục đường quốc lộ 21B, tỉnh lộ 496 phát huy lợi thế về giao thông, địa lý để phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ; thực hiện quy hoạch, chuyển đổi các vùng cấy lúa khó khăn, kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn quả phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, chú trọng tái phát triển đàn lợn, mở rộng chăn nuôi đàn trâu, bò, gia cầm, thủy cầm và chăn nuôi thủy sản; hỗ trợ các hộ dân phát triển mô hình sản xuất lúa – cá; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…
Phấn đấu, năm 2022, tổng đàn lợn hơi xuất chuồng đạt trên 10.000 con; tổng đàn gia súc, gia cầm tăng từ 5% so với năm 2021; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng từ 15% trở lên. Đến hết năm 2022, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 60 triệu đồng.
Nguyễn Oanh