Từ một sở thích thời thơ ấu, một người đàn ông đã tạo ra bộ sưu tập bướm lớn nhất châu Phi, và giờ đây, ông muốn chia sẻ nó với thế hệ sau.
Trong một vùng ngoại ô yên tĩnh của thủ đô Kenya, ẩn mình giữa những hàng cây xanh mát là một kho báu vô giá: bộ sưu tập bướm khổng lồ với hơn 4,2 triệu cá thể. Đó là thành quả của ông Steve Collins, 74 tuổi, người đã dành hơn sáu thập kỷ cuộc đời mình để theo đuổi niềm đam mê với những cánh bướm rực rỡ.
Sinh ra và lớn lên ở miền tây Kenya, ông Steve Collins đã bị mê hoặc bởi những chú bướm từ khi mới 5 tuổi.
Được cha mẹ khuyến khích, ông bắt đầu xây dựng bộ sưu tập của mình bằng một chiếc vợt bắt bướm được tặng. "Năm 15 tuổi, tôi đã đi đến các quốc gia khác như Nigeria để tìm hiểu thêm về bướm", ông Collins kể lại.
Trong suốt 20 năm làm nhà nông học, ông Collins vẫn dành thời gian rảnh rỗi cho nghiên cứu của mình. Đến năm 1997, ông thành lập Viện Nghiên cứu Bướm châu Phi, nơi ông nuôi dưỡng tình yêu với loài côn trùng xinh đẹp này.
Giờ đây, khi không gian và thời gian không còn nhiều, ông Collins mong muốn trao lại di sản của mình cho thế hệ tương lai. Trên mảnh đất rộng 0,6 ha của ông, hàng trăm cây bản địa và bụi hoa tạo thành một khu rừng nhỏ xanh mát. Hàng trăm cánh bướm đủ màu sắc bay lượn từ bông hoa này sang bông hoa khác, đôi khi đậu cả trên tay ông Collins.
Bộ sưu tập của ông Collins là một kho tàng tư nhân, dù trước đây ông từng mở cửa cho công chúng từ năm 1998 đến 2003. Trong đó, 1,2 triệu con bướm từ khắp châu Phi được ghim cẩn thận trong khung và lưu trữ trên các dãy kệ và 3 triệu con khác được bảo quản trong phong bì.
“Chúng cần được giữ trong không gian tối”, ông Collins giải thích. “Cách bảo quản này đảm bảo bướm khô không bị các loại côn trùng, ký sinh trùng và động vật ăn thịt khác ăn. Chúng tôi cũng đảm bảo sử dụng thuốc trừ sâu mỗi năm một lần để giữ chúng an toàn”.
Julian Bayliss, một nhà sinh thái học chuyên về châu Phi, cho biết ông đã thu thập bướm cho ông Collins trong hơn hai thập kỷ.
Ông Bayliss chia sẻ: “Có một phần lớn trong bộ sưu tập đó là hoàn toàn không thể thay thế vì một phần lớn môi trường sống của châu Phi đang bị phá hủy”.
Châu Phi dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, với các đợt hạn hán kéo dài và lũ lụt nghiêm trọng đang tàn phá các khu rừng và môi trường sống của bướm.
Giáo sư Bayliss đề nghị số hóa bộ sưu tập để mọi người trên toàn thế giới có thể tiếp cận. Ông cũng nhấn mạnh rằng người tiếp quản bộ sưu tập "cần phải là một tổ chức có nền tảng vững chắc, nguồn tài trợ dồi dào và an toàn".
Scott Miller, một nhà côn trùng học tại Viện Smithsonian (Mỹ), người đã gặp ông Collins cách đây gần 30 năm, cho biết những bộ sưu tập như vậy cung cấp thông tin quan trọng có thể cho thấy những thay đổi môi trường trong 60 năm qua.
Ông Collins lo ngại rằng ông sẽ sớm không còn khả năng duy trì nghiên cứu của mình. Ông cho biết con bướm quý giá nhất của ông có giá 8.000 USD và được cất giữ cẩn thận vì lo ngại bị trộm, và hy vọng sẽ bán bộ sưu tập cho một cá nhân hoặc tổ chức nghiên cứu.
Chi phí vận hành viện nghiên cứu của ông rất cao. Một ngân sách hàng năm được đăng vào năm 2009 trên trang web của Hiệp hội Lepidopterists' Society of Africa là 200.000 USD. Collins ước tính rằng các mẫu vật và tài sản khác trị giá 8 triệu USD.
Ông Collins tâm sự: “Đây là sở thích của tôi trong nhiều thập kỷ và tôi không thể định giá những gì tôi đã làm cho đến nay. Hiện tại, tôi đang tìm cách đảm bảo các loài này sẽ được an toàn khi tôi không còn trên thế giới này”.
Bộ sưu tập của ông là một minh chứng sống động về sự đa dạng của thiên nhiên và là nguồn cảm hứng cho những ai yêu mến vẻ đẹp của thế giới tự nhiên.
Theo baotintuc.vn