Xã hội hiện vẫn còn không ít người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, việc từng cá nhân, các ngành, địa phương tiếp tục nhân lên những việc làm tốt ở mọi thời điểm trong năm là rất cần thiết, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Bởi sự san sẻ giống như một ngọn lửa căng tràn sức sống, lan tỏa niềm vui và gắn kết mọi nhà.
1. Mùa Xuân là mùa khởi đầu của một năm, là mùa mang tới nhiều xúc cảm, mong chờ, hy vọng. Không khí mùa Xuân ấm áp cũng thôi thúc con người ta nhớ tới những khoảnh khắc được sum vầy bên gia đình. Thế nhưng với người nghèo, mỗi cái Tết lại thêm một lần vất vả, lo toan. Xuất phát từ truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam… để họ được đón một cái Tết an vui, đầm ấm trong tình yêu thương của cả cộng đồng.
Suốt hơn 20 năm qua, cứ dịp Tết đến, Xuân về, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)” được các cấp hội chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phát động, triển khai sâu rộng. Đây là một trong các phong trào trọng tâm làm nên “thương hiệu” cho Hội CTĐ tỉnh. Với ý nghĩa nhân văn cao đẹp, phong trào nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thông qua phong trào, 5 năm qua, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã vận động, trao tặng 148.991 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, NNCĐDC, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 66,4 tỷ đồng.
Phong trào “Tết vì người nghèo và NNCĐDC” Xuân Tân Sửu 2021 diễn ra từ 10/12/2020 đến 8/2/2021, trong đó, cao điểm từ 13/1 đến 1/2/2021 (tức ngày 1/12 đến 20/12 âm lịch). Nét mới trong phong trào “Tết vì người nghèo và NNCĐDC” năm nay là tổ chức tuần lễ Chợ Tết nhân đạo Tân Sửu 2021 tại các huyện, thành phố, thị xã. Mỗi đơn vị tổ chức ít nhất một phiên chợ. Tỉnh hội hỗ trợ mỗi đơn vị 20 triệu đồng để tổ chức, trong đó riêng huyện Thanh Liêm được hỗ trợ 50 triệu đồng để tổ chức trước rút kinh nghiệm. Trên 15.000 suất quà được trao tặng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, NNCĐDC, gia đình chính sách, người khuyết tật, hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; số suất quà có trị giá từ 400.000 đồng/suất trở lên đạt trên 60% tổng số suất quà.
Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Nguyễn Minh Toan chia sẻ: Phong trào “Tết vì người nghèo và NNCĐDC” thực sự trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội và là hoạt động truyền thống của các cấp Hội CTĐ toàn tỉnh những ngày giáp Tết. Điểm nhấn của phong trào là nhận được sự quan tâm và trực tiếp tham gia của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Phong trào đã góp phần khơi dậy và lan tỏa lòng nhân ái để mọi người đều có một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và may mắn.
Công việc cuối năm bộn bề, hối hả nhưng cũng là thời điểm các hoạt động nhân đạo được đẩy mạnh tại khắp các địa phương, bệnh viện, doanh nghiệp, trung tâm bảo trợ xã hội… với rất nhiều chương trình, hoạt động cụ thể. Sự quan tâm chân thành, những lời chúc mừng, thăm hỏi, động viên của các cấp, ngành, tổ chức, nhà hảo tâm đã làm ấm lòng những số phận kém may mắn. Tại xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên), từ Tết Canh Tý 2020, hội nông dân, hội phụ nữ và đoàn thanh niên xã đã phối hợp tổ chức chương trình gói bánh chưng xanh tặng người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 50 suất quà đã được trao tặng tận tay các hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn hơn so với mặt bằng chung nhưng không thuộc diện hộ nghèo, trị giá 800.000 đồng/suất, bao gồm bánh chưng, tiền mặt và một số thực phẩm thiết yếu khác. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mộc Bắc Nguyễn Văn Thinh cho biết: Với phương châm không để người dân, hộ gia đình nào không có Tết, cùng với nguồn ngân sách địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tập trung làm tốt công tác vận động nguồn lực để chăm lo Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, tổng kinh phí dành cho hoạt động này của xã lên đến trên 100 triệu đồng. Việc rà soát đối tượng được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh chồng chéo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chương trình gói bánh chưng tặng người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tiếp tục được duy trì trong dịp Tết Tân Sửu 2021.
2. Mùa Xuân cũng là mùa của lễ hội, và có một lễ hội vô cùng đặc biệt vào dịp đầu năm mới là Lễ hội Xuân hồng (LHXH). Đây là lễ hội duy nhất mà những người tham dự không cầu xin điều gì, thậm chí sẵn sàng san sẻ tình cảm, trách nhiệm với người bệnh thông qua hành động hiến máu nhân đạo. Với thông điệp “Hiến máu đầu xuân – Nhân lên hạnh phúc”, bao năm nay, LHXH đã trở thành “điểm hẹn” của lòng nhân ái dịp đầu xuân mới. Được khởi xướng từ năm 2008, LHXH đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng lượng máu phục vụ người bệnh dịp Tết Nguyên đán, góp phần tạo dựng và duy trì thói quen hiến máu đầu xuân của nhiều người dân. Với người bệnh, họ thật sự vui mừng, chào đón và hy vọng vào một mùa LHXH thành công, tiếp nhận thật nhiều đơn vị máu để mang lại sự sống, sức khỏe cho hàng nghìn người bệnh đang từng ngày, từng giờ khắc khoải chờ đợi sự yêu thương, giúp sức của cả cộng đồng.
Theo Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Nguyễn Minh Toan, LHXH không chỉ khởi động cho hàng loạt các hoạt động hiến máu sôi nổi trong cả năm, mà còn lan tỏa tình yêu thương, trách nhiệm xã hội sâu rộng trong cộng đồng, là minh chứng sâu đậm cho truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc. Lễ hội được chia làm 2 đợt trước và sau Tết Nguyên đán với trên 3.000 đơn vị máu được tiếp nhận mỗi năm. Lượng máu tiếp nhận từ LHXH chiếm trên 30% tổng lượng máu của cả năm. LHXH đã vượt qua chương trình hiến máu thông thường, đưa hiến máu trở thành một không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích và thiết thực, bảo đảm nguồn máu dự trữ trước, trong và sau Tết Nguyên đán. LHXH chính là “cú hích” để phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững. 5 năm qua, toàn tỉnh đã vận động và tiếp nhận 36.119 đơn vị máu với trị giá trên 8,7 tỷ đồng.
Từ phong trào hiến máu tình nguyện đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình hiến máu hàng chục lần, thậm chí nhiều gia đình tất cả các thành viên cùng tham gia hiến máu. Anh Phạm Văn Thể, thôn Phú Thứ, xã Tiên Hiệp (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Từ nhiều năm nay, hiến máu đã trở thành một thói quen của tôi và tham gia LHXH là một cách để làm việc thiện đầu năm. Chia sẻ một phần máu của mình để có thể mang lại sự sống, sức khỏe cho người khác là điều hạnh phúc, thiêng liêng đối với tôi và cả những người tham gia hiến máu tình nguyện khác. Tôi không nhớ mình đã hiến máu bao nhiêu lần, chỉ biết đó là việc tôi cần làm.
Xã hội hiện vẫn còn không ít người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, việc từng cá nhân, các ngành, địa phương tiếp tục nhân lên những việc làm tốt ở mọi thời điểm trong năm là rất cần thiết, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Bởi sự san sẻ giống như một ngọn lửa căng tràn sức sống, lan tỏa niềm vui và gắn kết mọi nhà. Nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần không chỉ giúp các hoàn cảnh khó khăn có một cái Tết ấm áp, đủ đầy mà còn là nguồn động viên, khích lệ họ không ngừng cố gắng, vững tin vào những điều tươi đẹp sẽ đến trong năm mới. Đồng thời, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, để niềm vui nối tiếp niềm vui, cho mùa Xuân thêm trọn vẹn, tình người thêm đong đầy… ./.
Hải Yến