Xóa bỏ “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu TNGT một cách bền vững. Từ nhận thức đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã, đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm khắc phục, xử lý những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT. Tuy nhiên, do trên địa bàn tỉnh đang tồn tại rất nhiều điểm giao cắt giữa các trục, tuyến giao thông, do đó để có thể giải quyết tận gốc những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần triển khai đồng bộ, kịp thời những giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Theo số liệu báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 282 vụ TNGT, làm 138 người chết, 222 người bị thương (tăng 5 vụ, giảm 10 người chết, tăng 22 người bị thương so với năm 2022). Trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm 25 người chết, 28 người bị thương (tăng 2 vụ, giảm 7 người chết, tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023).
Nguyên nhân dẫn đến TNGT được xác định chủ yếu do sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, chưa hợp lý; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa thiết thực. Chính quyền cơ sở một số nơi đôi lúc chưa thực sự vào cuộc, thiếu kiên quyết trong giải quyết những tụ điểm phức tạp về trật tự công cộng, nhất là tình trạng lấn chiếm lòng lề đường tổ chức họp chợ, làm nơi kinh doanh buôn bán.
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện còn tồn tại khá nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn gây TNGT mà phần lớn trong số đó hình thành tại vị trí điểm đấu nối giữa các tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ với đường huyện, đường xã, tại một số ngã ba, ngã tư có mật độ người tham gia giao thông cao nhưng chưa có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, không có biển cảnh báo nguy hiểm; hoặc một số điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có gác chắn...
Thời gian qua, tại gầm cầu nút giao Vực Vòng trên tuyến QL38 (địa phận phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên) liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, gây thương tích nặng, có trường hợp tử vong, khiến người tham gia giao thông hết sức lo lắng khi di chuyển qua khu vực này. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, nút giao Vực Vòng là khu vực giao cắt phức tạp có nhiều nhánh đường với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, đặc biệt vào những khung giờ cao điểm: đầu giờ sáng, cuối giờ chiều hằng ngày. Nút giao đang được tổ chức giao thông dạng vòng xuyến với nhiều hướng lưu thông, hướng ưu tiên chính là QL38; cùng đó là hướng ra vào Khu công nghiệp Đồng Văn, trạm thu phí, đường gom tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…
Do đó, điểm gầm cầu nút giao Vực Vòng luôn được xác định là “điểm đen” TNGT trong suốt thời gian qua. Theo thống kê từ Ban ATGT tỉnh, từ năm 2023 đến nay, tại nút giao này đã xảy ra 12 vụ TNGT, làm 6 người chết, 17 người bị thương. Để có giải pháp bảo đảm ATGT tại khu vực này, theo ý kiến, kiến nghị của cử tri, vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT), Công an tỉnh, Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các đơn vị có liên quan kiểm tra hiện trạng và tiến hành cắm bổ sung một số biển báo, sơn sửa lại vạch sơn, đồng thời hoàn thiện việc điều chỉnh giao thông theo hướng đồng bộ trong quý II/2024.
Tương tự, tại nút giao cắt Km 221 + 600 QL1A, đoạn giao QL1A với đường T3 (đường vào Khu du lịch Tam Chúc) khu vực phường Hoàng Đông (thị xã Duy Tiên) từ khi hình thành năm 2019 cho thấy nhiều bất cập trong việc tổ chức giao thông. Do có lưu lượng người, phương tiện đông nên phương tiện khi lưu thông qua nút giao này được phép chạy với tốc độ cao nhưng tại đây lại chưa lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu và đèn chiếu sáng, dẫn đến xảy ra nhiều vụ TNGT. Ngoài việc thiếu hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, đèn tín hiệu giao thông thì tại các ô đảo phân luồng cũng không được gắn tấm phản quang báo hiệu. Trong khi đó, nút giao này rất rộng, có nhiều đảo, nhiều hướng rẽ, các lối rẽ hẹp, cây cối um tùm, khiến tầm nhìn của lái xe bị hạn chế, nhất là hướng rẽ phải từ QL1A vào đường T3 (chiều Hà Nội - Phủ Lý). Việc tổ chức giao thông chưa hợp lý dẫn đến TNGT thường xuyên xảy ra tại đây, nhất là vào buổi tối. Trước những bất cập trên, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT, toàn tỉnh hiện đang quản lý, khai thác 15 tuyến đường tỉnh (tổng chiều dài 168,7 km); 794,8m cầu và được giao ủy thác quản lý 5 tuyến QL (tổng chiều dài 137,7km); các huyện, thị xã, thành phố đang quản lý hàng nghìn km đường huyện, đường giao thông nông thôn. Do sự gia tăng không ngừng về số lượng phương tiện giao thông đã dẫn đến nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức giao thông, tạo thành những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT. Bên cạnh đó, công tác phối hợp khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông, nhất là khắc phục những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT giữa ngành chức năng và chính quyền địa phương còn chậm và việc xác định tiêu chí của “điểm đen”, điểm tiềm ẩn; thu thập thông tin về TNGT còn khó khăn… Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiến nghị khắc phục những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến đường. Năm 2023, Sở GTVT đã hoàn thành công trình xử lý “điểm đen” TNGT tại nút giao QL21 (Km123+400) và QL21B (Km66+500); xử lý điểm tiềm ẩn TNGT tại nút giao giữa đường Lê Công Thanh với ĐT493 (Km9+050), ĐT493B (Km 6+150); xử lý, cải thiện tình hình TTATGT khu vực nút giao giữa QL38 với ĐH02 tại Km 89+250, QL38...
Như đã đề cập ở trên, hầu hết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT có tầm nhìn hạn chế, bị che khuất, nhất là tại vị trí các ngã ba, ngã tư; góc cua hẹp, không có hệ thống đèn chiếu sáng buổi tối, biển cảnh báo, gờ giảm tốc, không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông hoặc khai thác hệ thống tín hiệu chưa hiệu quả… Do đó, xóa bỏ những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm không của riêng ai mà cần sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ từ các cấp, ngành chức năng.
Cụ thể, Sở GTVT cần tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, từ đó, tập trung đầu tư cải tạo những đoạn đường xuống cấp; cải tạo các nút giao hay xảy ra TNGT; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan lập hồ sơ xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT tại từng vị trí trên những tuyến đường thuộc phạm vi quản lý. Ban ATGT tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống biển báo hiệu giao thông; đề xuất đơn vị quản lý đường bộ sửa chữa, thay thế, nâng cấp, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, gờ giảm tốc, sơn vạch kẻ đường, hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu chỉ huy giao thông. Công an tỉnh tập trung chỉ đạo mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, như lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, làn đường, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm về tải trọng; xây dựng phương án xử lý nghiêm những trường hợp thanh niên tụ tập phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng…
Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý gắn với đẩy mạnh TTPBGDPL, nhất là tại các khu vực “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT để giáo dục, răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực phối hợp với đơn vị quản lý giao thông tổ chức rà soát, đề xuất những phương án xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT.
Xóa bỏ “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết mà mỗi địa phương cũng như mỗi ban, ngành, đoàn thể, đơn vị chức năng cần phải đặc biệt quan tâm, nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, ngăn ngừa, giảm thiểu TNGT trên địa bàn. Để xóa bỏ mỗi “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT một cách bền vững, cùng với việc triển khai những phương án kỹ thuật khắc phục của cơ quan chức năng rất cần sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân mà trước hết là sự tự giác tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia giao thông.
Trần Ích