Kể từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 21/7 tại tổ 1 phường Hai Bà Trưng, đến ngày 27/10, sau hơn 3 tháng, thành phố Phủ Lý đã ghi nhận tổng số 325 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 13 phường, xã gồm: Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lê Hồng Phong, Lương Khánh Thiện, Liêm Chính, Liêm Tiết, Liêm Chung, Trần Hưng Đạo, Đinh Xá, Phù Vân, Kim Bình, Lam Hạ, Quang Trung.
Thành phố đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống SXH như đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện vệ sinh nơi ở, diệt muỗi, bọ gậy, nằm màn,…Cùng đó phun thuốc diệt muỗi các khu vực có bệnh nhân SXH. Các phường, xã đều ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lật úp các vật dụng chứa nước để triệt tiêu môi trường sinh sản của muỗi,…
Tuy nhiên có thể do thời tiết nóng ẩm mưa nhiều nên việc diệt muỗi khó triệt để, mật độ dân cư ở thành phố lại khá đông đúc, dẫn đến việc SXH lây lan và kéo dài.
Ở thời điểm ngày 26/10, sau hơn 3 tháng xuất hiện ca bệnh SXH đầu tiên, Phủ Lý vẫn ghi nhận ca bệnh mới, vẫn còn bệnh nhân đang điều trị tại nhà hoặc trong bệnh viện.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam hiện vẫn duy trì khoảng 30-40 ca SXH điều trị nội trú tại viện. Mỗi ngày vẫn có từ 5-6 bệnh nhân SXH mới nhập viện.
SXH do muỗi đốt người bị bệnh sau đó đốt người khỏe và truyền bệnh sang cho người khỏe. Để phòng chống SXH biện pháp mấu chốt nhất là diệt muỗi, không để muỗi đốt. Vì thế để phòng chống SXH người dân cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, lật úp hoặc đậy kín tất cả những vật dụng có chứa nước để muỗi không có chỗ sinh sản, phun thuốc diệt muỗi. Thời gian qua, qua giám sát tại hộ dân ở những khu vực có ca SXH, cán bộ y tế phát hiện muỗi truyền bệnh trú nhiều trong những chỗ ẩm thấp và có nước như chậu cảnh, bình cây cảnh mini, lọ hoa, thùng xốp,…Muỗi SXH không chỉ đốt ban đêm mà còn đốt ban ngày. Vì thế kể cả khi còn thức và hoạt động, hoặc ngồi xem tivi, nấu ăn,…người dân nên chú ý không để muỗi đốt.
Đ.H