"Cơn bão Covid-19" tái bùng phát lần thứ 4 khiến cho Chính phủ, các địa phương, đặc biệt là ngành y tế trong cả nước lại tiếp tục phải căng mình chống dịch. Nhìn hình ảnh những nhân viên, y bác sỹ ngành y ngủ gục ở bất kỳ nơi nào có thể trong bộ đồ bảo hộ kín mít, giữa cái nắng tháng 5, khiến chúng ta không khỏi xót xa.
Từ khi dịch bùng phát, mỗi sáng thức dậy, điều mong ước đầu tiên của bất cứ ai bây giờ cũng là con số bệnh nhân dương tính với Sars-Cov-2 đừng tăng nữa. Làm sao để dịch bệnh sớm được kiểm soát, cuộc sống sẽ trở lại với những nhịp điệu vốn có thường ngày.
Hai tuần nay, mấy con phố ẩm thực của thành phố Phủ Lý cũng cửa đóng then cài, thi thoảng mới có một hai nhà tranh thủ mở cửa, với cái biển treo có dòng chữ nguệch ngoạc: “ Bán mang về”. Hỏi ra mới biết đó là những chủ hàng có mặt bằng đi thuê, vì xót tiền nhà đã trả mà phải cố bán thêm được đồng nào hay đồng ấy.
Covid- 19 tái bùng phát lần thứ 4 có tốc độ siêu lây nhiễm, những bản tin cập nhật theo giờ, con số bệnh nhân dương tính vẫn chưa dừng lại. Điều đó, đồng nghĩa với việc gánh nặng vẫn đè lên vai hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương và những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.
Sáng chạy xe lên cơ quan, thường ngày vốn đã vắng vì do đặc thù công việc nên anh em thường đi cơ sở nhưng từ ngày có dịch, phòng nào cũng đóng cửa. Một số anh em làm việc ở nhà, một bộ phận dù vẫn phải thường trực ở cơ quan nhưng dường như mọi hoạt động giao tiếp chỉ dừng lại ở những cái gật đầu, vài ba câu trao đổi công việc trong một khoảng cách an toàn. Còn phần lớn anh em phóng viên vẫn bám sát địa bàn, vẫn tác nghiệp ở những nơi được coi là điểm nóng của dịch bệnh.
Nguy cơ nhiễm bệnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra nhưng vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm nghề nghiệp, các phóng viên vẫn không ngại khó khăn, nguy hiểm để có được những thông tin đầy đủ nhất, nhanh nhất và chính xác nhất phục vụ bạn đọc. Nhà báo Chu Uyên, phóng viên Phòng Điện tử- Báo Hà Nam, một trong những phóng viên có “thâm niên” trong tuyên truyền phòng chống dịch, chia sẻ: Dù không chuyên trách mảng y tế nhưng với trách nhiệm của người cầm bút, bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp sẽ đến bất cứ đâu theo sự phân công của Ban biên tập. Chống dịch là trách nhiệm của mỗi người. Hy vọng với những thông tin được truyền tải nhanh, chính xác và đầy đủ, chúng tôi sẽ góp chút công sức vào công tác phòng chống dịch tại địa phương. Không chỉ lan tỏa tinh thần chống dịch của Chính phủ, của tỉnh mà chúng tôi còn muốn gửi đến độc giả những hình ảnh đẹp về tình người nơi tâm dịch…
Cùng sát cánh ở những điểm nóng còn có các nhà báo: Trần Ích, Khương Doanh, Đỗ Hồng (Báo Hà Nam), Mai Hiên (Đài PTTH Hà Nam)…Bất kể là đêm hay ngày, cứ có lệnh là lên đường.
“Vất vả là vậy nhưng so với những y bác sỹ, nhân viên y tế, những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch thì công việc của anh em chúng tôi chưa thấm vào đâu. Chúng tôi luôn nhận được sự chia sẻ, thông cảm và quan tâm của đồng nghiệp, của gia đình"- đó là tâm sự của nhà báo Trần Ích, phóng viên Báo Hà Nam đang "cắm chốt" tại Lý Nhân.
Hơn hai tuần căng mình tham gia cùng các cấp các ngành, các địa phương chống dịch, chúng tôi- những người làm báo dường như càng thấy thấm thía hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Muốn viết báo khá thì cần gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực…”.
Nếu như đối với mỗi người cầm bút, vũ khí chính là sự chính xác, tận tâm của những con chữ thì với những chiến sĩ áo trắng thầm lặng, những người làm công tác xét nghiệm COVID-19 ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam (gọi tắt là CDC Hà Nam) vũ khí của họ lại chính là sự chuyên nghiệp và tập trung. Bởi để có những kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác thì chỉ cần một sự mất tập trung rất nhỏ trong qui trình xét nghiệm thôi sẽ làm sai lệch kết quả và dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc CDC Hà Nam đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với cánh phóng viên chúng tôi tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh vừa qua. K
Mặc dù, là địa phương đầu tiên trong cả nước phát hiện ca dương tính tại cộng đồng trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, sự chung tay của toàn xã hội, việc khoanh vùng dập dịch của Hà Nam đã đem lại những kết quả khả quan và được Chính phủ ghi nhận.
Tuy nhiên, trong khi cuộc chiến phòng chống Covid-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn đang có những diến biến phức tạp, tiềm ẩn mức độ nguy hiểm khôn lường, thì chính sự lây lan với tốc độ chóng mặt của các ổ dịch tại Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang trong thời gian qua sẽ là một bài học kinh nghiệm xương máu trong công tác phòng chống dịch của các địa phương trong cả nước. Mọi sự chủ quan, lơ là, thiếu ý thức trách nhiệm của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào khiến dịch bệnh lây lan mạnh đều là tội ác.
Kết thúc bài viết bằng một câu nói rất tâm tư của nhà báo Lê Hồng Kỳ, TUV, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Hà Nam, TBT Báo Hà Nam: Mọi biện pháp phòng chống dịch đối với cơ quan Báo Hà Nam đều đã được kích hoạt ở mức cao nhất. Trước những diễn biến khôn lường của dịch bệnh, mỗi cán bộ, phóng viên đều có nguy cơ trở thành F1, F2, F3…bất cứ lúc nào. Nhưng không vì thế mà chúng ta rời “ trận địa”, “ còn dịch còn chiến đấu”…
Minh Thu ( ảnh: Chu Uyên)