Từ nhiều năm nay, chùa Mạc Thượng, xã Chính Lý (Lý Nhân) đã trở thành nơi cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi. Nhìn bề ngoài nơi đây không khác gì những ngôi chùa khác, nhưng bên trong luôn đầy ắp tiếng nô đùa của trẻ.
Các em nhỏ ở đây được lớn lên trong tình yêu thương nơi cửa Phật từ bi, đón nhận sự cưu mang, chăm sóc ân cần từ Đại đức Phạm Thị Tuất (bút pháp Thích Đàm Quyết), trụ trì chùa. Hơn 10 năm qua, chùa Mạc Thượng đã trở thành mái nhà chung của nhiều trẻ mồ côi. Từ mái ấm này, những trẻ bị bỏ rơi được lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của nhà chùa và các phật tử. Những đứa trẻ được chăm sóc, nuôi dạy khỏe mạnh, xinh xắn, được đi học và rất chăm ngoan. Đã 11 năm sống tại chùa Mạc Thượng và cũng là đứa trẻ đầu tiên được Đại đức Thích Đàm Quyết nhận về nuôi dưỡng, em Phạm Ngô Quyết Chí khôn lớn trong tình yêu thương, chăm sóc của nhà chùa. Bài học đầu tiên mà em được học chính là sự tự lập ngay khi còn nhỏ. Mới hơn 10 tuổi, nhưng Chí được xem như là “chị cả” trong nhà, trông nom các em khi thầy đi vắng, dạy em học bài, giúp thầy tắm rửa cho các em và phụ giúp công việc thường ngày. Chí chia sẻ: Con ở chùa vui lắm, thầy và các phật tử như cha, như mẹ yêu thương, chăm sóc chúng con. Ở đây chúng con được thầy cho đi học, chăm sóc khi ốm, chúng con rất yêu quý thầy.
Hiện tại, chùa Mạc Thượng đang cưu mang, nuôi dưỡng 9 em nhỏ (lớn nhất 11 tuổi, bé nhất 2 tuổi), trong đó 2 cháu đang học trung học cơ sở, 3 cháu học tiểu học, 2 cháu học mầm non và 2 cháu còn nhỏ. Cả 9 em nhỏ này khi sinh ra đều bị bỏ rơi và được đặt tại ngay cổng chùa. Khi mới sinh ra hầu hết các cháu có thể trạng yếu, chỉ nặng từ 1,5-2kg nên khi nhà chùa nhận về nuôi, chăm sóc rất vất vả. Nhiều cháu phải đi bệnh viện dài ngày để chữa trị bệnh. Thế nhưng bằng sự yêu thương, chăm sóc của thầy, các cháu đều khỏe mạnh, sống vui vẻ, hòa đồng, yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Tất cả các cháu khi được nhận nuôi dưỡng đều được thầy báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và đều được giám định sức khỏe theo quy định. Thầy cũng đứng ra làm giấy khai sinh, đặt tên và cho mang theo họ Phạm của thầy. Đại đức Thích Đàm Quyết chia sẻ: Những đứa trẻ không may mắn được nhận về đây nuôi dưỡng, nương nhờ nơi cửa Phật đều chăm ngoan, học giỏi. Từ ngày nhận các cháu về nuôi chưa đêm nào tôi được giấc ngủ ngon. Để có tiền nuôi các cháu hằng ngày, chăm sóc khi đi viện tôi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các phật tử gần xa, nhà hảo tâm. Đại đức còn cho biết thêm: Dù khó khăn, vất vả đến đâu, tôi vẫn sẽ nuôi dưỡng các cháu đến khi trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội. Cháu nào có khả năng học cao đến đâu tôi tạo điều kiện, động viên học đến đấy, cháu nào học kém tôi cố gắng định hướng cho cháu có một cái nghề để sau này cháu làm ăn, sinh sống.
Rời chùa Mạc Thượng, chúng tôi đến chùa Đông Ngoại, phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên) vào một buổi chiều muộn. Khác với không khí uy nghiêm, tĩnh lặng nơi cửa Phật, trong ngôi chùa cổ kính vang tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. Trò chuyện với chúng tôi, sư thầy Thích Đàm Hậu, trụ trì chùa Đông Ngoại cho biết: Năm 2012, một gia đình ở địa phương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm để lại 3 đứa trẻ thơ dại. Người vợ đã gửi cháu Vũ Trang Linh khi cháu vừa tròn 9 tháng tuổi vào chùa nương nhờ nơi cửa Phật. Kể từ đó đến nay, cháu Linh đã lớn lên trong vòng tay của sư thầy. Hiện cháu đang học lớp 2, sức khỏe tốt và học rất giỏi. Tiếp đó, năm 2015, nhà chùa nhận nuôi cháu Phạm Vũ Trang Hòa bị bỏ rơi tại cổng chùa. Thời gian đầu, khi mới nhận nuôi cháu, tôi không chỉ gặp áp lực về kinh tế mà còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Thời gian rồi cũng trôi qua, trải qua bao vất vả, hiện nay cháu dần khôn lớn và đang theo học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Trong ngôi nhà chung này, các em đều vui vẻ, sống hòa đồng và yêu thương lẫn nhau.
Hiện nay, không chỉ có các chùa Mạc Thượng, Đông Ngoại đang nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, mà trên địa bàn tỉnh có hàng chục ngôi chùa cũng đang nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ cơ nhỡ, hoàn cảnh éo le. Với tình yêu thương của các tăng ni, phật tử, những trẻ em này đang từng ngày khôn lớn, chăm ngoan, học giỏi, lớn lên trở thành những người có ích cho xã hội.
Trần Ích