Chợ quê tôi họp ngay đầu làng, bên một nhánh sông nhỏ. Ngày thường chợ họp sớm, tan sớm. Mỗi dịp về quê chơi, mùa hè cũng như mùa đông, tầm bốn năm giờ sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng người đi chợ sớm í ới hỏi, chào. Hôm nào muốn đi chợ, buổi tối hôm trước tôi thường dặn thím sáng hôm sau gọi tôi dậy sớm để kịp đi cùng. Ngày nhỏ, mỗi lần được đi chợ cùng thím, cả đêm hôm trước tôi thao thức, thấy háo hức, phấn khởi lắm. Vui hơn cả, đặc biệt hơn cả là được đi những phiên chợ quê ngày giáp Tết Nguyên đán đông vui, nhộn nhịp, ấm áp tình người, tình quê.
Giữ nếp họp từ rất sớm, nhưng khác ngày thường, chợ quê ngày giáp Tết tan muộn hơn, người đi chợ đông hơn, các mặt hàng cũng phong phú, đa dạng hơn. Năm nào cũng vậy, tầm từ ngày hai ba tháng Chạp trở đi, ở chợ quê, đông nhất là khu vực bán lá dong, bán ống giang để gói, buộc bánh chưng và các loại giò. Ngày trước, Tết đến, ở quê ít, nhiều nhà nào cũng gói bánh chưng để thắp hương cúng gia tiên, đón Xuân mới và làm quà cho những người đi xa. Vì vậy, ngày giáp Tết, ở chợ, hàng lá dong bán chạy lắm. Các bà, các mẹ, các chị đi chợ ai cũng muốn chọn được bó lá dong phiến to, sắc xanh đậm. Phiến lá to sẽ dễ gói, lá mầu xanh đậm sẽ “nhuộm” xanh ruột bánh khi đã luộc chín dền. Bên cạnh hàng lá dong, hàng ống giang cũng đông người mua bán. Các bà đi chợ thường chọn những ống giang thẳng, dài, to và xanh về cho các ông dễ chẻ lạt.
Ngoài hai mặt hàng nổi bật nhất, thu hút đông khách nhất, chợ quê ngày giáp Tết còn có nhiều hành củ trắng, hành củ tía được đổ thành đống, người dân tha hồ lựa chọn mua về để muối ăn kèm cho đỡ ngán trong bữa ăn ngày Tết. Rồi hàng măng miến, mọc nhĩ, nấm hương, hàng gà, hàng thịt, hàng cá… hàng nào cũng đông, cũng nhộn nhịp người mua, bán. Ngày thường, chợ quê ít chuối xanh, nhiều chuối chín, ngày giáp Tết lại khác, ở chợ, ít chuối chín, nhiều chuối xanh. Các nhà trồng chuối đều dành những buồng chuối to nhất, đẹp nhất để bán Tết. Đi chợ, các bà, các mẹ thường chọn những nải chuối già còn tươi, quả to đều, hơi cong vòng lên, còn nguyên cả râu, có người còn cẩn thận chọn nải có số quả lẻ để thắp gia tiên trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Ngày thường, chợ quê tôi chỉ có một cụ già bán hàng trầu cau, vàng hương ở giữa chợ. Ngày Tết, chợ quê có tới năm, sáu hàng bán trầu cau, vậy mà lúc đông khách mua vẫn phải chờ. Theo phong tục của người dân Việt, trên ban thờ ngày mùng một, mười rằm hằng tháng, đặc biệt là các dịp cúng giỗ, lễ Tết không thể thiếu trầu cau.
Bên cạnh những hàng buôn bán lớn, như: Hoa, quả, quần áo, giày dép, xoong nồi, các đồ treo Tết... chợ quê ngày giáp Tết vẫn có những người nông dân mang bán những sản phẩm mình tự sản xuất ra, như: các loại rau, củ, quả; vài chục trứng gà; mấy quả gấc chín đỏ nơi vườn nhà... để có thêm đồng tiêu Tết. Vì nhà gần chợ, chợ lại họp muộn nên giáp Tết, thiếu gì người dân lại “chạy” ra chợ mua. Có người ngày đi chợ tới ba bốn bận...
Đông vui – nhộn nhịp, tất bật – vội vã, nhưng chợ quê ngày giáp Tết vẫn vang lên những tiếng hỏi chào đon đả, thân tình: Nhà chị (cô, bác) năm nay ăn Tết to không? Đã sắm Tết đủ chưa? Các cháu có về quê ăn Tết không?... Vẫn có cảnh vội vã để vào giỏ xe mớ rau, cân củ... của nhà làm ra, chị mang về ăn, có đáng gì đâu mà tiền với nong; chị cứ mang số thịt này về lo Tết cho các cháu, tiền lúc nào có đưa em cũng được...
Những phiên chợ giáp Tết ở quê tôi giờ hàng hóa đa dạng hơn, người đi mua sắm cũng đông đúc hơn. Giữa cảnh chợ tấp nập, nhộn nhịp, đông vui vẫn cảm nhận được sự ấm áp, chân tình, đầy yêu thương, sẻ chia của những người dân quê chân chất, hiền lành.
Phạm Hiền