kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nhiếp ảnh - Nghệ thuật của cảm xúc

Nhiếp ảnh - Nghệ thuật của cảm xúc

Tôi có anh bạn thân đam mê nhiếp ảnh từ thuở còn là sinh viên, sau này ra trường dù không theo nhiếp ảnh chuyên nghiệp nhưng mỗi nơi anh ấy qua, mỗi vùng miền anh ấy đến, mỗi người anh ấy gặp đều được anh ấy ghi lại bằng những cảm xúc chân thực nhất thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh ấy từng chia sẻ: Bất kỳ người cầm máy ảnh nào, dù chuyên hay không chuyên nhưng muốn có được những tác phẩm ảnh đẹp đều phải bắt nguồn từ cảm xúc.

Danh họa nổi tiếng người Tây Ban Nha Pablo Picasso cũng từng nói: “Nghệ sỹ là một bình chứa đựng những cảm xúc lấy từ khắp nơi từ bầu trời, trái đất, một mảnh giấy, một hình dáng lướt qua hay một màng nhện nhỏ nhoi”. Tuy nhiên, từ cảm xúc thông thường đến cảm xúc nhiếp ảnh là cả một quá trình lao động, sáng tạo không ngừng của người cầm máy.

Nhiếp ảnh  Nghệ thuật của cảm xúc
Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nói về cảm xúc nhiếp ảnh trong các tác phẩm nhiếp ảnh  trong cuốn sách ảnh “Khoảnh khắc” của ông.

Không riêng gì nhiếp ảnh đối với bất kỳ môn nghệ thuật nào, cảm xúc luôn là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị của tác phẩm. Cảm xúc ở đây không chỉ đơn thuần là của cá nhân người nghệ sỹ mà đó là thứ cảm xúc được lan tỏa từ tác phẩm do người nghệ sỹ lao động sáng tạo ra và chạm đến trái tim của người xem, người nghe và người đọc. Khác với hội họa và âm nhạc, nhiếp ảnh không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng. Cảm xúc nhiếp ảnh bao giờ cũng được khởi đầu bằng những đối tượng, sự vật, hiện tượng cụ thể trong thiên nhiên, vũ trụ, trong đời sống xã hội. Bằng kỹ thuật về ánh sáng, đường nét, bố cục và màu sắc, người cầm máy sẽ thổi cảm xúc, tình cảm để những hình ảnh đó khúc chiết hơn và có hồn hơn. Mỗi hình ảnh sẽ mang một tâm trạng riêng, một số phận riêng. Đó cũng chính là những thông điệp người nghệ sỹ muốn gửi gắm thông qua tác phẩm nhiếp ảnh. Chỉ khi một tác phẩm hội tụ đầy đủ các yếu tố cảm xúc, tư tưởng, thẩm mĩ thì mới mang những giá trị nghệ thuật nhất định. Nếu không có cảm xúc nghệ thuật, thì bức ảnh chỉ thuần túy là sự sao chép hiện thực một cách lạnh lùng, vô cảm và chỉ có giá trị về mặt tư liệu đơn thuần. Nhà báo Nguyễn Khắc Hường, nguyên Trưởng phòng Ảnh của Báo Nhân Dân chia sẻ: Ngoài việc rung động trước đối tượng nào đó trong cuộc sống, người nghệ sỹ phải có cảm xúc nhiếp ảnh; đó là cảm xúc theo cách nhìn của nhiếp ảnh, giống như viết báo vậy, người cầm máy phải lựa chọn điển hình trong hoàn cảnh điển hình, người chụp ảnh phải nhìn thấy cái mà người bình thường không thấy, người chụp ảnh giỏi nhìn thấy cái hay thì ảnh sẽ tốt, nếu chỉ nhìn thấy cái mà ai cũng thấy thì ảnh sẽ nhạt lắm…

Cũng là một người đam mê nhiếp ảnh, nhà báo Trịnh Ngân Liên, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nam đã đến với bộ môn này bằng tất cả nhiệt huyết, sự tận tâm và lao động sáng tạo hết mình. Những bức ảnh của ông không chỉ ghi lại được những khoảnh khắc đẹp nhất của thiên nhiên, vũ trụ, của hiện thực cuộc sống mà còn luôn đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Trong những lần may mắn được theo chân ông đi tác nghiệp, tôi được nghe ông nói rất nhiều về nghệ thuật nhiếp ảnh. Với ông, khoảnh khắc là yếu tố rất quan trọng để tạo nên sự khác biệt cho một tác phẩm nhiếp ảnh. Tuy nhiên, để ghi lại được khoảnh khắc xuất thần ấy, đòi hỏi người cầm máy cùng một lúc phải làm rất nhiều việc. Cùng một lúc phải đẩy cho cảm xúc nhiếp ảnh tiến triển nhanh, cô đọng và luôn dõi theo diễn biến của đối tượng đang bị “săn” trong ống kính; mặt khác phải xử lý nhanh một loạt các thông số về kỹ thuật như: tốc độ, độ mở của ống kính, độ bắt sáng của bộ cảm biến (ISO), góc độ, bố cục, ánh sáng và thời điểm quyết định bấm máy... 

Nhiếp ảnh  Nghệ thuật của cảm xúc
Tác phẩm “Tập trung trí tuệ” của tác giả Thế Trang (Báo Hà Nam) đạt giải Nhất Cuộc thi Triển lãm Ảnh nghệ thuật - thời sự và chào mừng kỷ niệm 129 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thế Tân

Cũng nói về cảm xúc nhiếp ảnh, nhà báo Bùi Hữu Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam cho rằng: Cảm xúc là yếu tố không thể thiếu được trong bất kỳ một môn nghệ thuật nào nhưng khác với hội họa, hay âm nhạc, cảm xúc trong nhiếp ảnh không chấp nhận sự chậm chạp. Bởi nếu để cảm xúc tản mạn sẽ bỏ lỡ cơ hội bấm máy, cái giây phút, cái khoảnh khắc được coi là “xuất thần” của sự kiện, cuộc sống và con người đang diễn ra…

Khi nói đến cảm xúc nhiếp ảnh, không thể không nhắc đến tên tuổi nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh quân đội Đoàn Công Tính với bức ảnh khá nổi tiếng “ Nụ cười chiến thắng” dưới chân Thành cổ Quảng Trị được chụp vào tháng 8/1972. Bức ảnh đã thực sự đem đến nhiều cảm xúc cho người xem, lan tỏa sự lạc quan, niềm tin và sức sống mãnh liệt cho những người đang sống và chiến đấu trên vùng đất “chết”. Bức ảnh không chỉ ghi lại khoảnh khắc quí giá của những người lính giữa hai trận chiến trong ngổn ngang đổ nát, mà còn có ý nghĩa lịch sử lớn lao, bởi nó đã thể hiện được tinh thần lạc quan chiến thắng của cả dân tộc. “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn, nhưng Thành cổ sẽ sống mãi…”. Câu nói đó của những người lính ở Thành cổ Quảng Trị mỗi khi ông giơ máy ảnh lên đã theo ông trong suốt sự nghiệp cầm máy sau này. Với ông, đó chính là động lực, là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận. 

Ngày nay, khi công nghệ số phát triển, nghệ thuật nhiếp ảnh đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống. Nhiếp ảnh đã trở thành một môn nghệ thuật đại chúng, là lĩnh vực hấp dẫn thu hút khá nhiều người, nhất là giới trẻ. Không chỉ thỏa mãn đam mê tìm tòi, khám phá về cuộc sống, nhiếp ảnh còn giúp ta hiểu biết sâu sắc hơn về cái đẹp trong cuộc sống, qua đó, người cầm máy có thể gửi gắm những tâm tư, tình cảm, những suy nghĩ, trăn trở hay những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Tuy nhiên, để tạo nên những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, người cầm máy phải liên tục học hỏi, cập nhật công nghệ mới, đồng thời, phải lao động sáng tạo không ngừng và cảm xúc nhiếp ảnh là điều không thể thiếu đối với tất cả những ai đam mê môn nghệ thuật này, dù chuyên hay không chuyên nếu muốn tạo ra một tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nghệ thuật./.   

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy