Sau gần một tháng rưỡi gồng mình chống dịch, người dân xã Công Lý, huyện Lý Nhân bắt đầu cuộc sống ở trạng thái "bình thường mới". Dấu tích của những ngày chống dịch vẫn còn vương lại đâu đó trong từng con ngõ, trong một vài gia đình đóng cửa lâu ngày đi cách ly tập trung, trong cảm thức của người dân từng kề vai, sát cánh bên nhau chống kẻ thù vô hình mang tên Covid-19… "Cơn bão dịch" không làm đổ nhà đổ cửa, đổ cây cối, nhưng lại làm thay đổi một số thói quen sinh hoạt của người dân, làm cho con người ở vùng nông thôn thuần nông hiểu hơn hết giá trị "tình làng nghĩa xóm", "tình quân dân" đoàn kết và sẻ chia.
Trong cái nắng nóng khó chịu nhất của mùa hè, nhiều người dân Công Lý phải thực hiện cách ly tập trung. Có người 21 ngày được về nhà, có người phải ở lại thêm hoặc chuyển đến các cơ sở y tế để điều trị bệnh khi kết quả xét nghiệm lần thứ 3, thứ 4 hoặc thứ 5 dương tính với SARS-CoV-2. "Cuối tháng 4, đầu tháng 5, Công Lý cũng như nhiều địa phương khác phải tập trung công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Lúa bắt đầu chín đầy đồng. Con em nông dân dồn tâm sức cho việc học hành, thi cử… Đùng một cái, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở làng, không khí đời sống không còn như cũ, ai cũng cảm thấy khó khăn, lo lắng!" – ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Công Lý nhớ lại.
Sau ngày 15/5, một số thôn của xã bị phong tỏa, xã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Những ngày đầu mất ăn mất ngủ, cả hệ thống chính trị vào cuộc truy vết, vận động nhân dân khai báo y tế. Các lực lượng chức năng ráo riết vào cuộc theo chỉ đạo của cấp trên, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ các trường hợp liên quan đến những ca bệnh được phát hiện trên địa bàn xã, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch. Nhiều đêm không ngủ, những cán bộ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch phải rời xa gia đình, quên cái nóng hè hầm hập để khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít đi từng ngõ, gõ từng nhà làm nhiệm vụ. 21 chốt kiểm soát an ninh và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được thiết lập tại khắp các thôn, xóm trên địa bàn. Để việc điều tra, truy vết, hỗ trợ người dân vùng phong tỏa kịp thời, 57 tổ Covid-19 cộng đồng với trên 120 thành viên được thành lập, đi vào hoạt động.
Ông Tùng nói: 5 ngày đầu tiên kể từ khi bệnh nhân Đ. được phát hiện mắc Covid-19, chúng tôi đối mặt với biết bao vất vả khó khăn. Vừa chống dịch, vừa chuẩn bị công tác bầu cử, vừa ổn định sản xuất cho nhân dân… Chúng tôi không về nhà, thức trắng đêm, vừa lo lắng, vừa động viên nhau cố gắng vượt qua. Chưa bao giờ cán bộ, nhân dân nơi đây phải đối mặt với tình huống dịch bệnh khó khăn như vậy. Mỗi một chốt được lập đều cần có những vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của anh em làm nhiệm vụ trong nhiều ngày, thời tiết thì nóng bức. Lúc đầu chúng tôi lúng túng lắm. Sau đó, cấp trên về chỉ đạo, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, tạo mọi điều kiện để xã vững tin chống dịch nên tình hình mỗi ngày một tốt hơn.
Số người đi cách ly tập trung ở Công Lý tăng dần lên con số hàng trăm. Điều đáng lo ngại nhất khi trong cộng đồng có học sinh lớp 12 (Trường THPT Lý Nhân) bị mắc Covid-19. Cả lớp của bệnh nhân cùng 8 giáo viên trong trường trở thành F1, phải đi cách ly tập trung. Thời điểm này, các em đang phải ôn thi, hoàn thành chương trình lớp 12 và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Áp lực không chỉ đè nặng lên học sinh, giáo viên mà ngay cả với phụ huynh. Anh Đỗ Kiên Cường cùng vợ và 4 con phải đi cách ly. Cuộc sống bị đảo lộn khi anh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS – CoV-2. Hằng tháng trời sống trong khu cách ly, ở nhà vườn tược, lúa chín đầy đồng, anh không biết phải làm thế nào.
Hơn chục gia đình trong xã rơi vào hoàn cảnh giống như gia đình anh Đỗ Kiên Cường – cả nhà phải đi cách ly tập trung. Làm sao để người dân yên tâm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch ở các cơ sở cách ly tập trung, đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp thành lập ngay các tổ sản xuất giúp bà con thu hoạch lúa, tiêu thụ nông sản. Cùng một lúc làm nhiều việc, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức ở xã đã nỗ lực hết mình, đảm nhận công việc với quyết tâm chống dịch cao nhất. Thành công khi tổ chức bầu cử đạt kết quả tốt đã mang lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân niềm tin vào sự đoàn kết, sẻ chia trách nhiệm trước những khó khăn, thử thách mà Công Lý đang phải đối mặt.
Cuộc chiến càng trở nên cam go hơn khi đồng chí Trưởng Công an xã mắc Covid-19, nhiều cán bộ chủ chốt trở thành F1. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Tùng không ngoại lệ, ông phải thực hiện cách ly tập trung từ ngày 26/5. Ông nói: Vào đây, ngồi một chỗ nhưng vẫn phải chỉ đạo anh em ở nhà tiếp tục công việc. Lúc đầu cũng căng thẳng lắm, nhưng sau quen dần. Mỗi ngày, anh em trong tổ sản xuất gửi hình ảnh gặt lúa, thu hoạch rau màu, bán gà, vịt, lợn giúp người dân mà ứa nước mắt, tôi xúc động vô cùng. Nhìn thấy anh em trong nắng gặt lúa, phơi thóc cho nhân dân với một tinh thần trách nhiệm cao nhất, hai mắt cay xè.
Ông Từ Văn Thủy, Giám đốc HTXDVNN Phú Đa là người có nhiều sáng tạo trong điều hành các tổ sản xuất vừa qua. Ông đã tập hợp được hội viên, tham gia tích cực hỗ trợ bà con thu hoạch lúa, tìm đầu ra cho nông sản. Chỉ tính từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6, các HTX đã tiêu thụ được gần 59,5 tấn rau màu các loại, hàng vạn quả trứng gà, trứng vịt, gần vạn con gia cầm và 32 tấn lợn. Đặc biệt, các tổ sản xuất của các HTXDVNN Mạc Hạ và Phú Đa đã thu hoạch trên 360 mẫu lúa cho nhân dân. Ông kể: Chúng tôi gặt đến đâu, phơi đến đó, chụp ảnh gửi qua zalo cho các hộ dân nhìn thấy sản phẩm nhà mình được vun vén ra sao để họ yên tâm. Có người mừng phát khóc, bảo anh em chúng tôi nếu có người hỏi mua thì bán hộ lúa luôn, giữ tiền cho họ. Gặt xong thì chuẩn bị làm đất cấy, gieo sạ cho vụ mùa, nhiều người vẫn chưa hoàn thành cách ly nhưng họ không còn sốt ruột như trước nữa.
Cả xã đến những ngày đầu tháng 7 chỉ còn một xóm nhỏ tiếp tục cách ly y tế với 6 chốt kiểm soát dịch hoạt động. Không khí bớt áp lực hơn. Nhưng trong mỗi người, tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 đã tạo nên nếp sống mới dễ dàng nhận diện. Những đứa trẻ trở về nhà từ khu cách ly tập trung mang theo nhiều phần quà cộng đồng trao tặng, như: sữa, bánh kẹo, nhu yếu phẩm… với một tâm trạng chưa bao giờ có trong cuộc đời. Những người dân sống trong vùng phong tỏa không bao giờ quên bóng dáng của đội quân "Covid cộng đồng" hằng ngày đến từng nhà nắm tình hình sức khỏe nhân dân, mang nhu yếu phẩm đến phục vụ đời sống của bà con, sẵn sàng giúp dân mua bán những thứ họ cần.
Khi "bão dịch" đi qua, người Công Lý hiểu rằng chỉ có sức mạnh đoàn kết, tình đồng bào mới là điểm tựa để người ta dựa vào nhau chiến thắng kẻ thù vô hình mang tên Covid-19!
Giang Nam